VNReport»Top»7 loại vaccine Covid-19 phổ biến

7 loại vaccine Covid-19 phổ biến

17:02 - 16/07/2021

Việt Nam đã phê duyệt 6 loại vaccine trong danh sách này.

Vaccine được cho là phương tiện sẽ giúp thế giới thoát khỏi đại dịch Covid-19. Tính đến nay, đã có hơn 3,5 tỷ liều vaccine được tiêm trên toàn cầu.

Danh sách sau bao gồm 7 loại vaccine Covid-19 đã được nhiều quốc gia phê duyệt nhất. Ngoài ra, còn có 13 loại vaccine khác đã được ít nhất một nước cấp phép.

1. Oxford-AstraZeneca

Vaccine Oxford-AstraZeneca, được bán dưới các nhãn hiệu Vaxzevria và Covishield, là một loại vaccine vector virus. Vaccine này được sản xuất bởi Đại học Oxford của Anh, công ty dược phẩm AstraZeneca của Anh-Thụy Điển và Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI).

Vaccine Oxford-AstraZeneca đã được cấp phép đầy đủ bởi 2 nước và cấp phép khẩn cấp bởi 170 nước bao gồm Việt Nam và WHO.

Các nghiên cứu thực hiện năm ngoái cho thấy hiệu quả của loại vaccine này là 76,0% đối với các ca nhiễm có triệu chứng 22 ngày sau liều đầu tiên và 81,3% sau liều thứ hai. Một phân tích khác cho thấy sau 2 liều, vaccine có hiệu quả 66% đối với biến thể Alpha và 60% chống lại biến thể Delta.

Đan Mạch và Na Uy đã ngừng vĩnh viễn việc sử dụng loại vaccine này do một số trường hợp rối loạn đông máu. Slovakia đã đình chỉ loại vaccine này sau khi một người được tiêm có bệnh nền chết. Nam Phi đã đình chỉ vaccine Oxford-AstraZeneca sau khi một cuộc thử nghiệm cho thấy mức độ bảo vệ chống chủng Beta phổ biến ở nước này thấp.

2. Pfizer-BioNTech

Vaccine Pfizer-BioNTech là một loại mRNA được sản xuất bởi công ty công nghệ sinh học của Đức BioNTech và công ty dược phẩm Mỹ Pfizer. Vaccine này còn có tên khác là Corminaty.

Tính đến nay, 5 nước đã cấp phép đầy đủ và WHO cùng với 111 nước, trong đó có Việt Nam, đã cấp phép khẩn cấp cho loại vaccine này. Ở Trung Quốc, BioNTech cộng tác với hãng dược phẩm Fosun để sản xuất loại vaccine này.

Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III vào cuối năm 2020, vaccine Pfizer-BioNTech cho thấy hiệu quả 91,3% đối với các ca nhiễm có triệu chứng sau khi tiềm liều thứ hai 7 ngày. Các nghiên cứu mới nhất cho thấy hiệu quả của loại vaccine này với biến chủng Delta trong trường hợp có triệu chứng là 83%. Các tác dụng phụ phổ biến của loại vaccine này là đau nhẹ đến vừa ở vùng tiêm, mệt mỏi và đau đầu.

Vaccine Pfizer-BioNTech phải được bảo quản trong môi trường nhiệt độ rất thấp, từ khoảng -80 đến -60°C. Vì vậy, việc lưu trữ và phân phối loại vaccine là rất khó khăn.

3. Janssen

Vaccine Janssen thường được gọi là Vaccine Johnson & Johnson vì được sản xuất bởi công ty con của hãng dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson – Janssen Pharmaceuticals, cùng với Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess. Đây là loại vaccine kiểu vector virus.

Janssen đã được cấp phép đầy đủ bởi 2 nước và cấp phép khẩn cấp bởi 84 nước cùng với WHO. Việt Nam cũng vừa mới phê duyệt khẩn cấp loại vaccine này.

Ưu thế của loại vaccine này là chỉ cần một liều và không cần phải bảo quản trong điều kiện đông lạnh. Một chiếc tủ lạnh thông thường có thể lưu trữ vaccine trong vài tháng.

Vào tháng 1/2021, Janssen thông báo rằng sau một cuộc thử nghiệm 28 ngày, vaccine của hãng có hiệu quả 66% chống lại các ca Covid-19 có triệu chứng, và 85% với các ca nặng. Ba nước là Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy đã ngừng sử dụng loại vaccine này do mối liên hệ với một hội chứng đông máu hiếm gặp.

4. Sinopharm

Vaccine Sinopharm, với tên gọi chính thức là BBIBP-CorV, là một loại vaccine bất hoạt chống Covid-19. Loại vaccine này được phát triển bởi Viện Sản phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm).

Trên thế giới, 4 quốc gia đã phê duyệt đầy đủ và 77 quốc gia, bao gồm Việt Nam, đã phê duyệt khẩn cấp loại vaccine này. Vào tháng 5, WHO cũng đã phê duyệt Sinopharm cho chương trình vaccine COVAX của mình.

Các thử nghiệm giai đoạn 3 ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain cho thấy Sinopharm đạt hiệu quả 78,1% với các ca có triệu chứng và 100% với các ca nặng. Là một loại vaccine bất hoạt, Sinopharm có thể được vận chuyển và bảo quản trong nhiệt độ lạnh thông thường.

5. Moderna

Moderna là loại vaccine mRNA sản xuất bởi hãng dược phẩm Mỹ Moderna, Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NAID) và Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh Tiên tiến Mỹ (BARDA).

Vaccine Moderna đã được phê duyệt đầy đủ bởi Thụy Sĩ, và phê duyệt khẩn cấp bởi 85 nước và WHO. Việt Nam cũng đã phê duyệt khẩn cấp loại vaccine này vào cuối tháng 6.

Các cuộc thử nghiệm cho thấy hiệu quả của 2 mũi tiêm vaccine Moderna cách nhau 29 ngày là 93% đối với các ca bệnh có triệu chứng. Nếu chỉ tiêm 1 mũi, hiệu quả chống virus là 61%. Các tác dụng phụ phổ biến của loại vaccine này là đau ở vùng tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, đau khớp.

Moderna cho biết vào tháng 2 rằng họ kỳ vọng sẽ thu về doanh thu 18,4 tỷ USD từ sản phẩm này.

6. Sputnik V

Sputnik V là loại vaccine Covid-19 hoạt động theo cơ chế vector virus, được sản xuất bởi Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya của Nga. Đây là loại vaccine đầu tiên được đăng ký thành công trên thế giới, vào ngày 11/8/2020 bởi Bộ Y tế Nga.

2 nước trên thế giới đã phê duyệt đầy đủ loại vaccine này. Việt Nam và 71 nước khác cũng đã phê duyệt khẩn cấp Sputnik V. Tuy nhiên, Sputnik V không nằm trong số 6 loại vaccine được WHO cấp phép.

Một nghiên cứu công bố vào tháng 2 năm nay dựa vào dữ liệu đang trong thời gian thu thập cho thấy loại vaccine này có hiệu quả 91,6% mà không có tác dụng phụ bất thường nào.

Sputnik Light là một loại vaccine Covid-19 một liều dựa trên Sputnik V.

7. CoronaVac

CoronaVac được sản xuất bởi công ty dược phẩm Sinovac Biotech của Trung Quốc, là loại vaccine virus bất hoạt, giống như vaccine Sinopharm cũng của nước này.

CoronaVac đã được cấp phép đầy đủ ở Trung Quốc và cấp phép khẩn cấp ở 51 quốc gia khác cùng với WHO. Loại vaccine này chưa được Việt Nam phê duyệt.

CoronaVac có thể được bảo quản ở nhiệt độ 2-8°C, giống như các loại vaccine virus bất hoạt khác.

Một cuộc nghiên cứu thực tế đối với 10 triệu người Chile cho thấy hiệu quả của CoronaVac là 66% chống lại các ca bệnh có triệu chứng sau 2 mũi tiêm. Hiệu quả của vaccine sau 1 mũi tiêm đạt 16%.