VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Bộ Tài chính đề xuất cho phép thanh toán trái phiếu bằng bất động sản

Bộ Tài chính đề xuất cho phép thanh toán trái phiếu bằng bất động sản

12:05 - 17/02/2023

Bộ Tài chính đề xuất cho phép doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng bất động sản, đàm phán kéo dài kỳ hạn thêm 2 năm, và tạm dừng hiệu lực thi hành một số quy định thắt chặt phát hành trái phiếu đến hết năm nay.

Nếu một dự thảo quy định mới được thông qua, doanh nghiệp có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng sản phẩm bất động sản, trong nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm giảm áp lực thanh toán trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản.

Ngày 13/2, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Dự thảo trên bao gồm một số biện pháp nhằm nới lỏng quy định thanh toán trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh lượng trái phiếu doanh nghiệp khổng lồ sắp đáo hạn trong năm nay, một phần lớn trong số đó do các nhà phát triển bất động sản phát hành.

Doanh nghiệp bất động sản đối mặt với áp lực lớn về thanh toán trái phiếu trong năm nay.

Doanh nghiệp bất động sản đối mặt với áp lực lớn về thanh toán trái phiếu trong năm nay.

Một đề xuất đáng chú ý là cho phép doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán gốc và lãi trái phiếu bằng tài sản khác, trong trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán bằng tiền. Việc này phải tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan, phải được trái chủ chấp thuận, doanh nghiệp phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản dùng để thanh toán trái phiếu.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ cho phép đàm phàn kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa 2 năm. Đồng thời bổ sung quy định phải thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho những nhà đầu tư không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản (bao gồm kỳ hạn) của trái phiếu.

Dự thảo mới cũng đề nghị ngưng hiệu lực thi hành một số quy định mang tính thắt chặt tại Nghị định 65 đến hết ngày 31/12/2023. Trong đó có quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm và quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu từ 90 ngày xuống còn 30 ngày.

Dự thảo quy định mới nhằm giúp giải quyết trước mắt khó khăn về dòng tiền của các doanh nghiệp, trong bối cảnh áp lực thanh toán nợ trái phiếu dự kiến rất cao trong năm nay. Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng dự nợ trái phiếu dự kiến đáo hạn trong năm 2023 lên tới 285.178 tỷ đồng và sẽ tăng dồn dập kể từ tháng 5.

Trong khi đó, sau những vụ bê bối liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp trong năm ngoái, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường này đã cạn, khiến các doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu mới để đảo nợ. Trong tháng 1, theo VBMA, toàn bộ thị trường trái phiếu doanh nghiệp không ghi nhận đợt phát hành mới nào.