VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Dân số Ấn Độ vượt Trung Quốc, báo hiệu thay đổi lớn trong trật tự thế giới

Dân số Ấn Độ vượt Trung Quốc, báo hiệu thay đổi lớn trong trật tự thế giới

07:22 - 16/04/2023

Dân số Ấn Độ vượt Trung Quốc, báo hiệu thay đổi lớn trong trật tự thế giới

Trong hơn hai thế kỷ, Trung Quốc có dân số lớn nhất thế giới. Nhưng năm nay, Ấn Độ sẽ trở thành nước đông dân nhất, báo hiệu những thay đổi lớn trong trật tự thế giới.

Liên Hợp Quốc dự kiến dân số Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc trong năm nay. Nhiều nhà nhân khẩu học ước tính điều đó có thể xảy ra ngay trong tháng này, hoặc thậm chí trước đó. Theo Liên Hợp Quốc, dân số Ấn Độ dự kiến đạt 1,429 tỷ người vào cuối năm 2023 và Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ hai với 1,426 tỷ người. Cả hai nước này đều gấp nhiều lớn Mỹ ở vị trí thứ ba với 340 triệu người.

Dân số Ấn Độ ước tính đạt 1,429 tỷ người vào cuối năm nay.

Dân số Ấn Độ ước tính đạt 1,429 tỷ người vào cuối năm nay.

Dân số ngày càng tăng của Ấn Độ nghĩa là nước này có khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế, mua nhiều hàng hóa của thế giới hơn và đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu, ngay cả khi gặp những vấn đề trong nước như nghèo đói và thiếu việc làm. Cùng lúc, trở ngại về nhân khẩu học của Trung Quốc sẽ khiến nước này khó đạt được tham vọng thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, bất chấp sự giàu có và sức mạnh quân sự đang gia tăng.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ có xu hướng xích lại gần Mỹ và các đồng minh vì chia sẻ lo ngại về Trung Quốc. Nhưng Delhi từ chối lên án Nga về cuộc chiến tranh ở Ukraine và tiếp tục mua lượng lớn dầu của Moscow.

Dân số Ấn Độ dự kiến tiếp tục tăng trong 4 thập kỷ tới, đạt đỉnh gần 1,7 tỷ người vào năm 2063. Dân số Trung Quốc – lần đầu tiên giảm vào năm ngoái kể từ nạn đói thập niên 1960 – được dự đoán sẽ giảm nhanh chóng. Vào đầu thế kỷ tới, dân số Ấn Độ dự báo gấp đôi dân số Trung Quốc.

“Chúng ta đang chuẩn bị bước vào quá trình chuyển đổi dân số có thể là quan trọng nhất trong 200 năm qua”, theo Irfan Nooruddin – thuộc viện nghiên cứu Atlantic Council ở Washington. “Trọng tâm của thế giới đã dịch chuyển được một thời gian, nhưng điều đó sắp được củng cố”.

Ước tính và dự báo dân số của Liên Hợp Quốc.

Ước tính và dự báo dân số của Liên Hợp Quốc.

Theo nhiều cách, Ấn Độ giống như Trung Quốc 30 năm trước. Họ có dân số trong độ tuổi lao động gia tăng nhanh chóng, với 610 triệu người dưới 25 tuổi và tương đối ít người già cần chăm sóc. Họ là quốc gia duy nhất có lực lượng lao động đủ lớn để có thể thay thế Trung Quốc với tư cách là công xưởng của thế giới, mặc dù cơ sở hạ tầng nghèo nàn và quy tắc đầu tư phiền phức có thể cản trở điều đó.

Một số công ty Mỹ đang cố gắng đa dạng hóa sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Nhà sản xuất chính của Apple – Foxconn – đang xem xét một kế hoạch mở rộng lớn ở Ấn Độ.

Lực lượng lao động của Trung Quốc đang ngày càng thu hẹp và nước này có nhóm người về hưu ngày càng đông. Năm nay, khoảng 203 triệu người – tương đương 14,3% dân số Trung Quốc – từ 65 tuổi trở lên, tăng từ 87,5 triệu vào năm 2000.

Tỷ suất sinh của Trung Quốc – số con trung bình mà một phụ nữ có trong suốt cuộc đời – là 1,18 vào năm ngoái, 4 thập kỷ sau khi nước này áp dụng chính sách một con. Con số đó thấp hơn nhiều so với tỷ lệ thay thế 2,1 cần thiết để giúp giữ ổn định dân số. Tỷ suất ở Ấn Độ là 2,0 – thấp hơn một chút so với mức đó – nhưng lượng lớn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nghĩa là dân số sẽ tiếp tục tăng trong nhiều thập kỷ.

Những xu hướng trên đang mạnh hơn vào thời điểm mà Trung Quốc vẫn là một nước thu nhập trung bình. Nước này cũng phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Mỹ, khuyến khích các công ty của mình dịch chuyển chuỗi cung ứng sang nơi khác và hạn chế chia sẻ công nghệ với Bắc Kinh.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế trung hạn khoảng 4%/năm đối với Trung Quốc và khoảng 6% đối với Ấn Độ. Theo một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ, nước này gần đây đã vượt Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và có thể vượt qua Đức và Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 vào năm 2029.

Ấn Độ đã nâng cấp cơ sở hạ tầng bằng cách mở đường và xây dựng các sân bay mới, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận điện nước trên cả nước. Nước này cũng đang ghi nhận sự bùng nổ trong thanh toán kỹ thuật số. Một số nhà kinh tế dự đoán rằng GDP của Ấn Độ sẽ tăng hơn gấp đôi lên 8,5 nghìn tỷ USD từ 3,4 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới, sau khi tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua.

Tuy nhiên, nước này không tạo thêm được việc làm ròng mới nào trong thập kỷ qua, một phần là do đại dịch, ngay cả khi có thêm hơn 100 triệu người tham gia lực lượng lao động. Nhiều người trẻ không bận tâm tìm việc vì không có đủ cơ hội.

Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, Ấn Độ có 228,9 triệu người, tương đương 16,4% dân số, sống trong nghèo đói – nhiều nhất thế giới, mặc dù con số này đã giảm.

Một số nhà kinh tế cảnh báo rằng Ấn Độ có thể đối mặt với bất ổn nội bộ nếu không tạo ra nhiều cơ hội kinh tế hơn. Năm ngoái, chính quyền đã dập tắt các cuộc biểu tình bạo lực ở 2 bang sau khi hơn 10 triệu người nộp đơn xin 35.000 việc làm ở hệ thống đường sắt quốc gia.

Trong khi đó, thách thức về nhân khẩu học của Trung Quốc không phải là không thể vượt qua. Các quan chức tin rằng với giáo dục tốt hơn và tiến bộ công nghệ, họ có thể bù đắp những hậu quả của một lực lượng lao động nhỏ đi.

Không chỉ Ấn Độ, toàn bộ khu vực xung quanh nước này sẽ là trung tâm dân số của thế giới trong tương lai. Ngân hàng Thế giới dự báo Nam Á có dân số trong độ tuổi lao động lớn nhất trong tất cả các khu vực vào năm 2041.

Tỷ lệ người nghỉ hưu của Trung Quốc ngày càng cao.

Tỷ lệ người nghỉ hưu của Trung Quốc ngày càng cao.

Từ lâu, các nhà nhân khẩu học đã dự báo Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc, nhưng những chính sách của Trung Quốc đẩy nhanh quá trình này.

Theo Our World in Data, Trung Quốc là nước đông dân số một thế giới kể từ ít nhất là năm 1750 với 225 triệu người khi đó, tương đương khoảng 28% dân số toàn cầu khi biên giới giữa các quốc gia khác rất nhiều bây giờ.

Trong những ngày đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền, chính quyền hạn chế ngừa thai và phá thai để khuyến khích sinh nhiều hơn. Mao Trạch Đông tuyên bố: “Có nhiều người thì sức mạnh lớn”. Sau đó, Đảng Cộng sản bắt đầu đổ lỗi cho sự gia tăng dân số là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu việc làm và nghèo đói. Năm 1980, Đặng Tiểu Bình đưa ra chính sách một con, nói rằng nếu không có nó, “nền kinh tế của chúng ta không thể phát triển tốt, và cuộc sống của người dân sẽ không được cải thiện”.

Trung Quốc từng có thời kỳ hưởng lợi lớn từ nhân khẩu học. Từ cuối thập niên 1970 đến cuối thập niên 2000, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc tăng gần gấp đôi. Mức lương thấp so với các nước phát triển và cơ sở hạ tầng được cải thiện giúp thu hút hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài, đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Tỷ suất sinh của Trung Quốc giảm xuống dưới mức thay thế vào đầu những năm 1990. Năm 2012, dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm. Trung Quốc cho phép các gia đình có 2 con vào năm 2016, sau đó tăng lên thành 3 con và loại bỏ mọi hình phạt đối với hành vi vi phạm.

Đã quá muộn để đảo ngược sự suy giảm dân số, khi mà lực lượng lao động của Trung Quốc dự kiến giảm hơn 0,5% mỗi năm, theo công ty nghiên cứu Capital Economics. Tại Mỹ, lực lượng lao động dự kiến tiếp tục tăng trong 30 năm tới nhờ người nhập cư và tỷ suất sinh cao hơn Trung Quốc.

Với ít nhân lực hơn, chi phí lao động của Trung Quốc đang bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến. Theo một báo cáo của Viện Reshoring, mức lương trung bình của một công nhân Trung Quốc trong dây chuyền sản xuất là gần 15.000 USD vào năm 2022, cao hơn 5 lần so với mức lương trung bình ở Ấn Độ.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Victoria ở Úc cho thấy nếu không tăng tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc – thường là 60 đối với nam và sớm nhất là 50 đối với phụ nữ – tiền lương hưu của nước này sẽ tăng lên 20% GDP vào năm 2100, từ mức 4% vào năm 2020.

Thiếu việc làm là vấn đề chính với Ấn Độ hiện nay.

Thiếu việc làm là vấn đề chính với Ấn Độ hiện nay.

Những vấn đề như vậy còn xa vời đối với Ấn Độ – mặc dù nước này cũng từng cố hạn chế tăng trưởng dân số. Năm 1952, Ấn Độ từng đưa ra một trong những chương trình kế hoạch hóa gia đình đầu tiên của thế giới, bằng cách khuyến khích các gia đình chỉ có 2 con.

Năm 1975, khi Thủ tướng Indira Gandhi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và tước đi các quyền tự do dân sự, đất nước này đã tiến hành một chiến dịch triệt sản bắt buộc để giảm nghèo. Cảnh sát vây bắt đàn ông ở nhà ga xe lửa và bến xe buýt, rồi đưa họ đến các trại thắt ống dẫn tinh. Số ca triệt sản tăng lên 8,1 triệu vào năm 1977 từ 1,3 triệu vào năm 1975.

Trong khi chính phủ Trung Quốc có thể buộc người dân tuân thủ hạn chế về sinh đẻ vô thời hạn, cử tri ở Ấn Độ đã loại bỏ bà Gandhi trong cuộc bầu cử năm 1977. Hiện nay, nhiều người Ấn Độ vẫn coi dân số khổng lồ của đất nước là một vấn đề. Chính phủ trả tiền mặt để khuyến khích triệt sản, mặc dù không có chiến dịch giảm dân số toàn quốc nào.

Câu hỏi bây giờ là liệu Ấn Độ có thể tận dụng lợi thế nhân khẩu học của mình hay không.

Vấn đề chính là thiếu việc làm. Tổng số việc làm đạt 413 triệu vào năm 2017, nhưng giảm xuống còn 406 triệu vào năm 2019 và tiếp tục giảm trong thời kỳ đại dịch trước khi phục hồi lên 402 triệu vào năm 2022, theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ – một viện nghiên cứu độc lập ở Mumbai.

Mahesh Vyas – tổng giám đốc của viện – đổ lỗi thị trường việc làm trì trệ do đầu tư yếu kém, đại dịch và kế hoạch do Thủ tướng Narendra Modi thực hiện vào năm 2016 đột ngột xóa gần 90% giá trị tiền giấy. Nhiều nhà đầu tư coi môi trường kinh doanh của Ấn Độ phức tạp và các chính sách thương mại mang tính bảo hộ, ngăn cản một số hoạt động đầu tư.

Trong số 20 triệu người đủ tuổi để vào thị trường lao động mỗi năm, chỉ có khoảng 8 triệu người tìm được việc, ông Vyas cho biết. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chung của Ấn Độ trong tháng 3 là 39,8%, so với 62,6% ở Mỹ.

Trong 2 thập kỷ tới, 200 triệu thanh niên nữa sẽ tham gia lực lượng lao động. Theo các nhà kinh tế, Ấn Độ khó có thể hấp thụ những lao động đó nếu không đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và thay đổi để kích thích tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng sản xuất trong sản lượng kinh tế của Ấn Độ giảm xuống 14% vào năm 2021 – từ mức 17% năm 2006.

Không giống như Trung Quốc – nơi hàng triệu lao động nhập cư đến các thành phố để làm việc trong nhà máy – nhiều người Ấn Độ không muốn rời quê hương để đến những nơi có nhiều việc làm hơn. Ở nhà, họ có thể dễ dàng tiếp cận những chương trình của chính phủ như viện trợ lương thực miễn phí. Một số phải đối mặt với rào cản ngôn ngữ ở các bang khác. Tỷ lệ dân số Trung Quốc sống ở thành thị và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ cao hơn nhiều.

Ở Ấn Độ, các gia đình thường giữ phụ nữ ở nhà nếu có đủ khả năng, theo truyền thống văn hóa. Trong một cuộc khảo sát năm ngoái từ công ty tư vấn FSG, 84% phụ nữ trong độ tuổi lao động từ các hộ gia đình có thu nhập thấp cho biết họ cần được gia đình cho phép để đi làm.