VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp Đức ở Việt Nam lạc quan về triển vọng trong năm tới

Doanh nghiệp Đức ở Việt Nam lạc quan về triển vọng trong năm tới

11:51 - 11/11/2021

Hơn một nửa doanh nghiệp Đức được khảo sát ở Việt Nam lạc quan về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

Có tới 55% doanh nghiệp Đức được khảo sát tại Việt Nam bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển tích cực của kinh tế Việt Nam trong năm tới, theo kết quả của báo cáo Triển vọng Kinh doanh Thế giới AHK 2021 (AHK World Business Outlook) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) tại Việt Nam công bố.

Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp Đức lạc quan về sự phục hồi kinh tế của Việt Nam vẫn thấp hơn 33% so với con số hồi đầu năm nay. Có tới 83% số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất hoặc nâng cấp cơ sở vật chất trong 12 tháng tới. 33% đang có ý định tuyển thêm lao động để phục vụ sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Theo báo cáo, các hạn chế đi lại và vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng và logistics là những thách thức lớn đối với sự phát triển của các công ty Đức.

AHK World Business Outlook là cuộc khảo sát thường niên do DIHK thực hiện với sự tham gia của các doanh nghiệp và nhà đầu tư Đức ở nước ngoài. Năm nay, báo cáo đã nhận được phản hồi từ hơn 3.200 công ty và công ty con của Đức trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Một khảo sát do DIHK công bố vào ngày 12/5 cho thấy 66% số doanh nghiệp được hỏi nói rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ có những cải thiện đáng kể trong năm nay, so với chỉ 46% được ghi nhận vào năm ngoái. 1/3 trong số họ cho rằng nền kinh tế phục hồi trong nửa đầu năm nay và 30% tin rằng sự phục hồi sẽ bắt đầu vào năm 2022. Khi đó, hơn một nửa số doanh nghiệp cho biết hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam đang vận hành suôn sẻ, trong khi chỉ 11% bị giảm doanh thu.

Bên cạnh đó, 47% doanh nghiệp dự định mở rộng kinh doanh trong nước và một nửa trong số đó sẽ tuyển thêm nhân viên vào năm 2021 và 2022. Đáng chú ý, 67% dự kiến ​đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình bằng cách tìm kiếm nhà cung cấp mới, thay đổi tuyến vận chuyển hàng hóa hoặc tăng kho dự trữ của mình.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát mới công bố chỉ ra rằng tình trạng thiếu lao động tay nghề cao và tiêu dùng giảm vẫn là những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, với 42% cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, tăng so với mức 18% của năm ngoái. Những vấn đề khác liên quan đến chính sách kinh tế, cách tiếp cận tài chính, an toàn pháp lý và cơ sở hạ tầng, cộng với việc đóng cửa biên giới, suy giảm tiêu thụ và hủy bỏ các triển lãm và sự kiện thương mại do Covid-19 cũng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của họ.