VNReport»Kinh tế»Tài chính»Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 20 năm

Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 20 năm

22:18 - 29/04/2022

Chỉ số đo lường sức mạnh của đồng USD so với những đồng tiền lớn khác tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2022, khi nhà đầu tư kỳ vọng Mỹ tăng lãi suất mạnh tay hơn các nền kinh tế phát triển khác.

Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ vào thứ Năm, khi giới đầu tư đặt cược rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng nhanh lãi suất sẽ khiến các ngân hàng trung ương lớn khác bị tụt lại phía sau.

Chỉ số dollar, một thước đo sức mạnh của đồng tiền Mỹ so với một rổ những đồng tiền của các nước phát triển khác bao gồm đồng euro, đồng yên và bảng Anh, tăng 0,9% lên gần 104 – mức cao nhất kể từ năm 2002.

Diễn biến hôm thứ Năm đưa mức tăng của đồng USD lên hơn 8% trong năm nay, khi thị trường chuẩn bị cho sự khác biệt ngày càng lớn trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ và các nền kinh tế hàng đầu khác.

Đồng yên giảm giá mạnh so với đồng USD khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiếp tục giữ lãi suất gần 0.

Đồng yên giảm giá mạnh so với đồng USD khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiếp tục giữ lãi suất gần 0.

Chất xúc tác gần đây cho diễn biến này đến từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Hôm thứ Năm, cơ quan này nhấn mạnh quyết tâm trong việc đi ngược xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu, kiên định với lời hứa giữ lợi suất trái phiếu gần bằng 0.

Đồng euro và đồng bảng Anh cũng bị ảnh hưởng khi nhà đầu tư ngày càng đặt câu hỏi liệu Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh có nâng lãi suất lên cao trong năm nay hay không; khi mà các nền kinh tế phải nhập khẩu năng lượng này bị đe dọa bởi giá dầu cao và ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh ở Ukraine. Đồng tiền chung châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm là 1,047 USD, trong khi đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm là 1,242 USD.

Đồng thời, đồng tiền Trung Quốc gần đây suy giảm khi nước này tích cực phong tỏa để đối phó với đợt bùng phát Covid mới. Điều này phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng toàn cầu, thúc đẩy hơn nữa đồng USD, vốn thường hưởng lợi khi nhà đầu tư tránh xa các tài sản rủi ro.

“Chúng ta đã có 2 thập kỷ hưởng lợi từ lạm phát thấp, nhưng giờ đây, các ngân hàng trung ương đang cố gắng lấy lại uy tín chống lạm phát của họ”, theo Jordan Rochester, chiến lược gia ngoại hối tại Nomura. “Nhưng ECB đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát đình trệ và sẽ khó theo kịp Fed, và BoJ thậm chí còn không tham gia [vào việc tăng lãi suất]. Với mức độ chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc thấp hơn và mức độ chịu ảnh hưởng từ Ukraine thấp hơn, Mỹ có thể chống chịu lạm phát tốt hơn”.

Thị trường dự kiến Fed tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong cả 3 cuộc họp tiếp theo. Ngân hàng trung ương này đang cố gắng kiềm chế tỷ lệ lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ, bất chấp dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ bất ngờ thu hẹp trong quý đầu tiên.

Nhà đầu tư cũng kỳ vọng ECB sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào cuối năm nay. Nhưng họ có thể bắt đầu đặt câu hỏi về kỳ vọng đó nếu cuộc xung đột Ukraine diễn ra lâu hơn, có khả năng kéo đồng euro xuống thấp hơn nữa, theo Rochester. “Nhà đầu tư hiện đang nhắc đến khả năng [đồng euro] ngang giá với đồng USD”, ông nói.