VNReport»Kinh tế»Gỡ điểm nghẽn giúp tăng năng suất lao động

Gỡ điểm nghẽn giúp tăng năng suất lao động

09:20 - 09/11/2022

Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam tuy có cải thiện nhưng chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác trong khu vực.

Tốc độ tăng năng suất lao động chưa nhanh

Theo Tổng cục Thống kê, trong 3 quý năm 2022, tình hình kinh tế – xã hội nói chung và tình hình lao động việc làm nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực. Thời gian qua, năng suất lao động có bước cải thiện đáng kể, tuy nhiên tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác trong khu vực.

Năm 2022, năng suất lao động đạt khoảng 4,7 – 5,2%, cao hơn năm 2021 (4,7%), tuy nhiên chưa đạt mục tiêu đề ra (5,6%). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 đạt khoảng 5,8%/năm, cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011 – 2015. Đáng chú ý, năm 2021, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam khoảng 4,7%, cao nhất trong các nước ASEAN. Tuy nhiên, theo Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn khoảng 26 lần so với Singapore, 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Trung Quốc, 2 lần so với Philippines, 3 lần so với Thái Lan.

Năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp so với khu vực

Gần đây, báo cáo của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng nhận định, năng suất lao động của Việt Nam đang đối mặt với xu hướng giảm và đình trệ trong thập kỷ qua. Đồng thời JICA đánh giá, năng suất lao động của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện những vẫn thấp so với các nước trong khu vực. Trong cả giai đoạn 2010-2019, năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Timor-Leste, Campuchia và Myanmar. Vài năm trở lại đây, năng suất lao động của Việt Nam tăng liên tục nhưng tốc độ đuổi kịp của Việt Nam với các nền kinh tế thu nhập cao đã bị chậm lại, khiến Việt Nam càng phải nỗ lực hơn nữa để rút ngắn khoảng cách với các nước.

Theo TS Cao Thị Hà (Học viện Hành chính quốc gia), yếu tố chính góp phần vào tăng trưởng năng suất ở Việt Nam trong hai thập kỷ qua chủ yếu là sự chuyển dịch lao động kém năng suất từ các hoạt động nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tuy nhiên, tăng trưởng năng suất lao động từ quá trình chuyển đổi này đang dần cạn. Mặt khác, chất lượng nguồn lao động của Việt Nam còn thấp do thiếu sự gắn kết giữa đào tạo và thực hành, mặt bằng chung đang thiếu và yếu về kỹ năng lao động. Theo xếp hạng chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0), kỹ năng của lao động Việt Nam chỉ đứng ở nhóm trung bình với vị trí 93/141 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đánh giá và chỉ đứng ở vị trí thứ 7 trong ASEAN.

Tại Hội thảo Xu hướng thị trường lao động trong kỷ nguyên số tổ chức ngày 8/11, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, Việt Nam đang đối mặt với thách thức về chất lượng nguồn nhân lực do tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao chỉ chiếm khoảng 11% tổng lực lượng lao động; năng suất lao động cũng thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN, năng lực ngoại ngữ hạn chế…

“Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam có thể sẽ phải chịu sức ép về việc giải quyết việc làm và đối mặt với gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm vì Việt Nam có quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động chưa cao”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhận định.

Chuyển dịch thị trường lao động trong kỷ nguyên số

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được những mục tiêu đó, việc nâng cao năng suất lao động được coi là một trong những yếu tố then chốt. Tuy nhiên, bài toán nâng cao năng suất lao động vẫn đang gặp nhiều điểm nghẽn chưa có lời giải.

Theo các chuyên gia, dưới tác động kép của đại dịch Covid-19 và kỷ nguyên số, thị trường việc làm tại Việt Nam trong tương lai sẽ chứng kiến những thay đổi lớn liên quan đến người lao động và địa điểm, cách thức làm việc. Chuyển đổi số tác động đến cơ cấu việc làm, đòi hỏi người lao động phải thay đổi phương thức làm việc để có thể thích nghi và nắm bắt cơ hội mới trên thị trường. Doanh nghiệp cũng phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với một xã hội được chuyển đổi số.

Tuy vậy, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng lực lượng lao động thích ứng với quá trình chuyển đổi số như thế nào là câu hỏi không dễ trả lời. Đã có không ít lo ngại về việc chuyển đổi số tạo ra biến động trong thị trường lao động, đặc biệt ở những quốc gia có năng suất lao động thấp và chủ yếu dựa vào gia công, lắp ráp.

Ông Andree Mangels – Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam cũng đánh giá công nghệ không ngừng thay đổi đồng nghĩa với yêu cầu liên tục cập nhật kỹ năng số cho người lao động. “Doanh nghiệp cần linh hoạt áp dụng các chương trình nâng cao kỹ năng, cũng như xây dựng một chiến lược đào tạo có tầm nhìn dài hạn sao cho người lao động có thể đảm nhiệm tốt những công việc hiện tại và cả những vị trí sẽ xuất hiện trong tương lai”, ông Andree Mangels nói.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính rằng nếu tỷ lệ lao động kỹ năng cao tại Việt Nam quá thấp và không đủ để đáp ứng với tốc độ phát triển của chuyển đổi số, khoảng 2 triệu việc làm tại Việt Nam sẽ bị mất đi tính đến năm 2045. Trong khi đó, theo thống kê tại Việt Nam, 68% công việc hiện đòi hỏi kiến thức với những kỹ năng số cơ bản, trong khi đó 1/5 công việc cần các kỹ năng số đặc biệt chuyên sâu.

Trước những bối cảnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh, lao động phải là một đầu vào của nền kinh tế và muốn có những ngành công nghiệp phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, sở hữu những phát minh, sáng chế mới, những công nghệ tiên tiến nhất thì phải có được lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản, bền vững, làm chủ được công nghệ. Do vậy, cần có cơ chế kiến tạo, thu hút, giữ chân những lao động có trình độ, kỹ năng tay nghề cao nhất để chính họ trở thành nguồn động lực phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững.

Hơn hết, trong bối cảnh chuyển đổi số và đại dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, thị trường lao động trong nước sẽ cần những giải pháp toàn diện từ tất cả các bên liên quan để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển dụng; đào tạo nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng và tăng cường tri thức cho người lao động trong tình hình mới. Song song với quá trình này là việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động trong bối cảnh tính chất, hình thái công việc và thị trường lao động thay đổi.