VNReport»Kinh tế»Tài chính»Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc bắt đầu tác động lên ngân hàng

Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc bắt đầu tác động lên ngân hàng

11:22 - 29/08/2022

Các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc báo cáo lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí lỗ, gây rủi ro cho các ngân hàng cũng như hệ thống tài chính nói chung.

Tin xấu tiếp tục đến từ thị trường bất động sản Trung Quốc khi một loạt doanh nghiệp báo cáo lãi giảm mạnh và thậm chí lỗ so với lợi nhuận lớn nửa đầu năm ngoái – thời điểm trước cuộc khủng hoảng hiện tại. Trong khi chính phủ nỗ lực củng cố lĩnh vực này, vấn đề bắt đầu lan ra các ngân hàng, với những tác động tiềm tàng đối với sức khỏe của toàn bộ hệ thống tài chính.

Ronshine China Holdings – một nhà phát triển hạng trung được niêm yết tại Hong Kong – cảnh báo hôm thứ Ba rằng khoản lỗ ròng của họ trong 6 tháng đầu năm từ 4,3 tỷ đến 4,8 tỷ nhân dân tệ (627 triệu đến 700 triệu USD), giảm mạnh so với lợi nhuận 684,5 triệu nhân dân tệ một năm trước.

Chủ tịch Ou Zonghong đổ lỗi cho “môi trường kinh doanh khó khăn trong ngành bất động sản và tác động liên tục của đại dịch Covid-19”. Ngoài các khoản phí tổn thất từ một số dự án, ông Ou cho biết doanh số bán bất động sản sụt giảm nghiêm trọng và công việc xây dựng chậm lại ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến công ty có trụ sở tại Thượng Hải. Trong 7 tháng đầu năm, doanh thu theo hợp đồng của công ty giảm 53% xuống 46,3 tỷ nhân dân tệ.

Zhenro Properties Group – một nhà phát triển khác cũng niêm yết tại Hong Kong và có trụ sở tại Thượng Hải – dự kiến ​​lỗ ròng lên tới 3 tỷ nhân dân tệ trong nửa đầu năm, so với mức lãi ròng 1,16 tỷ nhân dân tệ một năm trước. Central China Real Estate – một công ty xây dựng nhà hạng trung ở tỉnh Hà Nam – cho biết khoản lỗ ròng của họ có thể lên tới 6 tỷ nhân dân tệ.

Nhiều doanh nghiệp khác tránh được lỗ trong gang tấc. Yuzhou Group Holdings – công ty đã vỡ nợ trái phiếu nước ngoài hồi tháng 3 ­– cho biết lợi nhuận ròng trong 6 tháng đầu năm của họ nằm trong khoảng 55 triệu đến 65 triệu nhân dân tệ, giảm 92% đến 94% so với một năm trước. Country Garden Holdings và Times China Holdings cảnh báo nhà đầu tư rằng lợi nhuận ròng của họ có thể giảm 99% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều công trình ở Trung Quốc đang bị trì hoãn xây dựng do các nhà phát triển gặp khó khăn.

Nhiều công trình ở Trung Quốc đang bị trì hoãn xây dựng do các nhà phát triển gặp khó khăn.

Những khoản lỗ lớn và lãi giảm mạnh của các doanh nghiệp thể hiện mức độ nghiêm trọng trong tình hình tài chính của họ. Kelly Chen – nhà phân tích cấp cao tại Moody’s Investors Service – cho biết các thông báo mới nhất là “âm tín dụng”, mặc dù kết quả phần lớn nằm trong kỳ vọng của bà.

“Chúng tôi tin rằng tăng trưởng doanh thu và tỷ suất lợi nhuận của các nhà phát triển này đã giảm trong nửa đầu năm và sẽ tiếp tục giảm trong phần còn lại của năm 2022, do môi trường hoạt động và điều kiện tài chính khó khăn”, bà nói.

Áp lực biên lợi nhuận đến từ mức chiết khấu lớn mà các nhà phát triển này đang chào khách hàng, bà nói. Nhưng đó là một trong số ít những cách còn lại để hỗ trợ tính thanh khoản đang suy giảm của họ vì “tâm lý nhà đầu tư tiêu cực hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là trên thị trường trái phiếu nước ngoài, kể từ đầu năm”.

Bà gợi ý rằng một số nhà phát triển có thể bị “đánh giá lại” xếp hạng tín dụng nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy vị thế tài chính và thanh khoản của họ kém hơn dự kiến trong báo cáo kết quả kinh doanh giữa năm.

Trong khi đó, Bắc Kinh đang tìm cách củng cố lĩnh vực bất động sản. Một trong những động thái mới nhất đến từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, vào ngày 22/8 cắt giảm lãi suất cơ bản khoản vay 1 năm 0,05 điểm phần trăm xuống 3,65% và lãi suất cho vay 5 năm 0,15 điểm phần trăm xuống 4,30%.

Cùng ngày, thống đốc ngân hàng trung ương khuyến khích các ngân hàng “chủ động và đóng vai trò là xương sống” để hỗ trợ nền kinh tế đang chững lại, đặc biệt đề cập đến việc “đảm bảo nhu cầu tài chính hợp lý trong lĩnh vực bất động sản”. Việc cắt giảm lãi suất này đi ngược với các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu, hầu hết đều tăng lãi suất để giải quyết lạm phát.

Nhưng Ting Lu – nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura – tin rằng tác động lên lĩnh vực bất động sản sẽ “nhỏ”, chỉ ra rằng nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay sâu hơn nhiều khi nhu cầu thế chấp nói chung giảm. Ông bổ sung thêm rằng lãi suất chỉ là một phần nhỏ của vấn đề. “Các yếu tố chính khiến nhu cầu nhà mới sụt giảm là sự tin tưởng vào cam kết giao nhà của các nhà phát triển, tăng trưởng thu nhập chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và sự không chắc chắn cao hơn do chiến lược zero-Covid.

Những ngân hàng cho vay nhiều ở Trung Quốc đại lục như Standard Chartered chịu lỗ suy giảm giá trị tín dụng từ lĩnh vực bất động sản.

Những ngân hàng cho vay nhiều ở Trung Quốc đại lục như Standard Chartered chịu lỗ suy giảm giá trị tín dụng từ lĩnh vực bất động sản.

Sự suy giảm trong lĩnh vực bất động sản đang gây áp lực lên ngân hàng. Một số nhà băng có trụ sở tại Hong Kong cho vay nhiều ở Trung Quốc đại lục – bao gồm HSBC và Standard Chartered – ghi nhận những khoản lỗ suy giảm giá trị đáng kể đối với các khoản vay của họ trong lĩnh vực bất động sản nửa đầu năm.

Khoản lỗ suy giảm giá trị đối với HSBC là 1,1 tỷ USD, một sự thay đổi đáng kể so với khoản hoàn nhập dương 700 triệu USD một năm trước. Tổng lỗ suy giảm giá trị tín dụng của Standard Chartered trong giai đoạn này lên tới 267 triệu USD, gần như tất cả đều đến từ lĩnh vực bất động sản thương mại của Trung Quốc.

Dah Sing Banking Group – một nhà băng hạng trung ở Hong Kong – có khoản lỗ do suy giảm giá trị tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng 160% lên 305 triệu đô la Hồng Kông. “Một phần tương đối lớn” trong số đó liên quan đến bất động sản ở Trung Quốc đại lục, theo phó giám đốc điều hành của ngân hàng.

Tác động cũng xuất hiện ở một số ngân hàng đại lục. Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc, một trong những ngân hàng cho vay tài sản lớn nhất, cho biết các khoản nợ xấu đối với lĩnh vực bất động sản ở mức 1,79 tỷ nhân dân tệ vào cuối tháng 6, tăng gấp 82 lần so với tháng 12 năm ngoái. Con số đó càng nổi bật hơn khi giá trị nợ xấu tổng thể của ngân hàng giảm 19%.

Nợ xấu của Ngân hàng Thương nhân Trung Quốc liên quan đến các doanh nghiệp bất động sản tăng gấp đôi so với cùng kỳ lên 11,20 tỷ nhân dân tệ, đẩy mức nợ xấu tổng thể của ngân hàng này lên 11%. Ngân hàng báo cáo 22,79 tỷ nhân dân tệ lỗ tín dụng liên quan đến các khoản vay trong nửa đầu năm, tăng 58% so với một năm trước, chủ yếu là do “một số khách hàng bất động sản” không được tiết lộ.