VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lạm phát châu Á thấp do tiêu dùng hồi phục kém

Lạm phát châu Á thấp do tiêu dùng hồi phục kém

10:04 - 01/07/2021

Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đang có mức lạm phát thấp khi nhu cầu nội địa yếu vì dịch bệnh bùng phát.

Các nền kinh tế từng phát triển nhanh của châu Á đang phải vật lộn với nhu cầu nội địa yếu dấn đến lạm phát bị hạn chế. Điều này trái ngược với một số thị trường phát triển, làm tăng khả năng nhiều ngân hàng trung ương sẽ từ bỏ việc tăng lãi suất trong năm nay.

Đối với các nhà đầu tư và hoạch định chính sách ở các thị trường mới nổi châu Á, lạm phát cao và đôi khi gây bất ổn luôn đi đôi với tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ làm nền tảng cho sự phát triển của các nước này.

Điều đó đã thay đổi rõ rệt, khi việc tiêm chủng chậm và làn sóng nhiễm coronavirus mới làm trì hoãn sự phục hồi kinh tế ở các nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines và Ấn Độ.

Lạm phát Indonesia chỉ đạt 1,68% trong tháng 5, thấp hơn mục tiêu 2-4% của ngân hàng trung ương nước này.

Lạm phát Indonesia chỉ đạt 1,68% trong tháng 5, thấp hơn mục tiêu 2-4% của ngân hàng trung ương nước này.

Trong khi một số quốc gia châu Á đã chứng kiến ​​lạm phát gia tăng, tăng trưởng vẫn là ưu tiên cao hơn đối với họ ngay cả khi lạm phát đang thu hút sự chú ý ngày càng tăng ở các nước phương Tây như Mỹ, Anh và Canada.

Giá hàng hóa cao hơn không chỉ ảnh hưởng đến châu Á, mà còn cả phần còn lại của thế giới, thông qua chi phí nguyên vật liệu tăng. Hàn Quốc cũng đang chuẩn bị cho việc tăng lãi suất ngay trong năm nay khi nền kinh tế và thị trường nhà ở nóng lên.

Tuy nhiên, nhu cầu yếu sẽ khiến lạm phát cách xa vùng nguy hiểm. Đồng thời, áp lực lên các ngân hàng trung ương của châu Á đòi hỏi phải phản ứng bằng chính sách tiền tệ thắt chặt cũng sẽ giảm trong ngắn hạn.

Makoto Saito, một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu NLI của Nhật Bản, cho biết: “Sự bùng phát trở lại của các ca bệnh đang buộc một số quốc gia châu Á phải áp đặt lại các biện pháp kiềm chế hoạt động gây ảnh hưởng đến lạm phát, một xu hướng sẽ tiếp tục trong thời gian tới”.

“Do nhu cầu trong nước yếu, nhiều nền kinh tế châu Á sẽ không chứng kiến ​​lạm phát tăng tốc. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng trung ương của họ có thể sẽ không tăng lãi suất cho đến năm sau”, ông nói.

Ngân hàng trung ương Thái Lan đã duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục trong tháng này và lạm phát toàn phần dự báo chỉ 1,2% trong năm nay, khi đất nước phụ thuộc vào du lịch phải vật lộn với làn sóng coronavirus thứ ba.

Lạm phát toàn phần ở Philippines đã chạm mức 4,5% vào tháng 5 so với một năm trước đó, mặc dù ngân hàng trung ương của họ đã giữ lãi suất thấp kỷ lục trong tháng này và dự báo lạm phát sẽ quay trở lại trong biên độ mục tiêu 2% -4% vào nửa cuối năm.

Lạm phát toàn phần của Indonesia đã tăng tốc lên 1,68% trong tháng 5 từ mức 1,42% trong tháng 4, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 12, nhưng vẫn ở dưới phạm vi mục tiêu 2-4% của ngân hàng trung ương.

Ngay cả ở Ấn Độ, nơi lạm phát bán lẻ tăng vọt lên 6,3% vào tháng 5, ngân hàng trung ương cũng ít khả năng phản ứng bằng chính sách thắt chặt hơn để giảm ảnh hưởng tới tăng trưởng từ đợt đại dịch thứ hai, theo các nguồn tin của Reuters.

Lạm phát so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: Refinitiv và Reuters

Lạm phát so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: Refinitiv và Reuters

Tình hình của châu Á trái ngược với các thị trường mới nổi ở các khu vực khác như Mỹ Latinh, nơi rủi ro lạm phát và tháo chạy vốn đã kích hoạt việc tăng lãi suất hoặc các tín hiệu về thắt chặt tiền tệ.

Tác động của Fed

Việc thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn là một rủi ro đối với các ngân hàng trung ương châu Á. Nhưng bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1998 và vụ “taper tantrum” năm 2013 (khi các thị trường mới nổi phản ứng mạnh với việc cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng của Fed) đã giúp họ kiên cường hơn trước rủi ro rút vốn do Fed gây ra.

Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về châu Á tại Ngân hàng ANZ ở Singapore, cho biết: “Dự trữ ngoại hối của châu Á, ngoài Trung Quốc, đã đạt mức cao kỷ lục mới, vì vậy chắc chắn có các ngân hàng trung ương châu Á có nhiều vùng đệm để quản lý sự biến động”.

Nhu cầu trong nước giảm khiến nhập khẩu giảm ngay cả khi xuất khẩu sang các khu vực khác trên thế giới tăng, thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai và khiến các quốc gia như Indonesia ít bị tổn thương hơn trước nguy cơ tháo chạy vốn, các nhà phân tích nhận định.

Trong khi vết sẹo của đại dịch có thể bắt đầu lành vào năm tới, triển vọng lạm phát tích cực có thể đồng nghĩa với việc chính sách của Fed tác động đến chính sách tiền tệ châu Á nhiều hơn lạm phát.

Bài kiểm tra thực sự đối với các ngân hàng trung ương châu Á có thể đến vào năm tới, khi Fed có thể đưa ra những tín hiệu rõ ràng hơn về triển vọng tăng lãi suất và gây áp lực tăng đối với lợi suất trái phiếu của khu vực. Nhà chiến lược đầu tư Joanne Goh của DBS cho biết: “Nếu lợi suất trái phiếu tăng ở Mỹ, lợi suất trái phiếu ở châu Á có thể tăng trở lại khá mạnh”.

HSBC cho biết họ đang tránh xa các kỳ hạn trái phiếu dài của các nền kinh tế châu Á có lợi suất trái phiếu cao, vì các ngân hàng trung ương đó có thể gặp khó một khi Fed thực sự tăng lãi suất. Andre de Silva, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tỷ giá các thị trường mới nổi toàn cầu tại HSBC, cho biết: “Tôi nghĩ rằng vấn đề sẽ khó khăn hơn, có thể không phải năm nay mà sang năm sau, đặc biệt là khi bạn phải đối mặt với việc thắt chặt chính sách tiền tệ thực sự”.