VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Ngành sản xuất đồ điện tử Việt Nam khó khăn, 45.000 công nhân mất việc

Ngành sản xuất đồ điện tử Việt Nam khó khăn, 45.000 công nhân mất việc

15:08 - 30/06/2023

Các công ty sản xuất đồ điện tử lớn như Samsung giảm giờ làm và giảm lương của công nhân khi nhu cầu toàn cầu đối với các thiết bị công nghệ sụt giảm.

Năm ngoái, các công ty sản xuất linh kiện cho Apple và Google phải cạnh tranh tuyển công nhân ở Việt Nam. Nhưng tình hình giờ đã thay đổi khi những nhà máy lớn như của Samsung giảm mạnh sản lượng và rút ngắn giờ làm của người lao động.

“Có rất ít công việc trong những ngày này”, Thanh – một công nhân 30 tuổi của Samsung ở tỉnh Thái Nguyên – nói với ấn phẩm Rest of World.

Cô nói chuyện bên ngoài một khu chợ vắng vẻ. Một nhà hàng dê nổi tiếng ở đây đã đóng cửa trong nhiều tháng, theo một chủ cửa hàng tạp hóa. Bản thân cửa hàng tạp hóa – phục vụ cho công nhân Samsung – cũng vắng khách. Chủ cửa hàng cho biết doanh số bán hàng giảm 40% so với năm ngoái.

Chiều đến, những con đường từng chật kín công nhân tan ca giờ đây vắng lặng.

Cuộc sống của các công nhân sản xuất đồ điện tử trở nên khó khăn khi số đơn đặt hàng mới giảm mạnh.

Cuộc sống của các công nhân sản xuất đồ điện tử trở nên khó khăn khi số đơn đặt hàng mới giảm mạnh.

Đây là kết quả của sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu đối với thiết bị điện tử. Khi đại dịch kết thúc, người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu giảm bớt việc mua điện thoại và máy tính, và khi lạm phát cao, họ thắt lưng buộc bụng thêm nữa. Theo S&P Global, số đơn đặt hàng mới và sản lượng của các công ty điện tử lớn đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2020. Tác động của sự co lại đó lan rộng trên khắp thế giới, khiến cuộc sống của hàng chục nghìn người sản xuất những sản phẩm này trở nên khó khăn.

5 tháng đầu năm 2023, 45.000 người mất việc làm trong ngành sản xuất điện tử tại Việt Nam, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Samsung – công ty điện tử lớn nhất cả nước – đang giảm giờ làm việc, hạn chế gia hạn hợp đồng và cho một số công nhân nghỉ phép, theo các công nhân của công ty. Ký túc xá dành cho nhân viên lắp ráp điện thoại và Airpods trống một nửa. Theo những người có nhiều năm làm việc trong các nhà máy này, đây là đợt sa sút tệ nhất mà họ nhớ.

“Chúng tôi thấy triển vọng phục hồi hạn chế”, theo Shivaan Tandon – nhà kinh tế về các thị trường châu Á mới nổi tại Capital Economics. “Ngay cả khi nhu cầu toàn cầu bắt đầu phục hồi, nhiều khả năng các công ty sẽ phản ứng bằng cách dùng lượng hàng tồn kho của họ”. Ông cho biết đây là hậu quả sau cơn lốc chi tiêu trong đại dịch.

Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng điện tử thế giới và lĩnh vực này cũng tạo việc làm cho rất nhiều người ở Việt Nam. Riêng Samsung sử dụng khoảng 100.000 lao động trong nước và chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm ngoái. Gã khổng lồ Hàn Quốc giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới trong năm 2021, chỉ xếp sau Trung Quốc.

Tại Thái Nguyên – nơi Samsung có một nhà máy lắp ráp điện thoại khổng lồ – sản lượng sản xuất điện thoại thông minh và máy tình bảng giảm 1,9% so với cùng kỳ trong quý I. Theo một báo cáo của truyền thông Hàn Quốc, Samsung dự kiến giảm sản lượng điện thoại 30 triệu chiếc trong năm nay.

Theo một báo cáo của truyền thông Hàn Quốc, Samsung dự kiến giảm sản lượng điện thoại 30 triệu chiếc trong năm nay.

Theo một báo cáo của truyền thông Hàn Quốc, Samsung dự kiến giảm sản lượng điện thoại 30 triệu chiếc trong năm nay.

Thanh – giống như nhiều người khác – không chuẩn bị cho chu kỳ giảm sâu này. 6 năm trước, cô bỏ trồng lúa để theo đuổi mức thu nhập cao hơn tại nhà máy lắp ráp điện thoại của Samsung.

Công nhân nhà máy thường dựa vào lương làm thêm giờ để có tiền tiết kiệm. Thanh cho biết việc làm thêm giờ – thường là chuyện bình thường – đã biến mất. Cô cho biết rằng năm nay, có thời điểm cô chỉ được gọi đi làm 3 ngày/tuần, khiến thu nhập hàng tháng của cô có lúc giảm xuống 6 triệu đồng, từ mức 10 triệu đồng lúc cao điểm. Nhiều đồng nghiệp của cô nghỉ việc vì lương thấp, nhưng Thanh thì không vì cần trả một khoản nợ. Cô đang tìm việc làm phụ là rửa bát đĩa.

Ở các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh – nơi đặt nhà máy của Samsung và những nhà cung cấp lớn của của Apple như Foxconn và Luxshare – tình hình cũng không khá hơn nhiều.

Nam – một công nhân tại nhà máy điện thoại của Samsung ở Bắc Ninh – chuyển đến khu vực này từ một tỉnh miền núi phía Bắc gần một thập kỷ trước. Samsung là lựa chọn hiển nhiên đối với anh vì người thân của anh đã làm việc ở đây và công ty ráo riết tuyển dụng ở quê anh. Bây giờ, anh cảm thấy “chán ngấy”.

Mặc dù thăng tiến trong thời gian làm việc tại Samsung, nhưng tổng thu nhập hàng tháng của Nam vẫn giữ nguyên ở mức 8 triệu đồng vì giờ làm giảm. Lương làm thêm giờ của anh không còn từ giữa năm 2022. Các bạn trọ của anh – từng làm việc cho Samsung và những nhà máy khác trong khu vực – đã nghỉ việc và chuyển ra ngoài. “Tôi muốn kiếm nhiều tiền hơn cho gia đình, để cuộc sống của tôi thoải mái hơn”, anh nói.

Anh cho biết nhóm của một người họ hàng của mình tại Samsung – bộ phận lắp ráp máy tính xách tay, hay “máy tính mới” – bị giải tán hoàn toàn vào cuối năm 2022. Người này hiện chỉ được gọi đi làm một ngày mỗi tuần. Một số công nhân trong khu vực đã về quê để kinh doanh riêng, hoặc thậm chí tìm việc làm ở nước ngoài, theo các nhân viên cũ và hiện tại của Samsung. Theo một nhân viên hiện tại, công ty cũng kén chọn hơn trong việc gia hạn hợp đồng.

Mặc dù cuộc khủng hoảng rõ ràng nhất ở Samsung do quy mô lớn, nhưng tác động của nó còn rộng hơn nhiều. Theo Hoàn Trần – một phó giám đốc tại công ty tuyển dụng Navigos Search – nhiều nhà sản xuất công nghệ Hàn Quốc chứng kiến số đơn hàng giảm ngay từ tháng 3/2022, theo sau là các công ty Trung Quốc. Điều đó ảnh hưởng đến các nhà máy của họ ở Việt Nam.

Ngay cả khi nhu cầu phục hồi, việc quay trở lại của công nhân có thể mất thời gian.

Ngay cả khi nhu cầu phục hồi, việc quay trở lại của công nhân có thể mất thời gian.

Sự thiếu hụt nguyên liệu từ Trung Quốc làm trầm trọng thêm vấn đề, theo báo cáo tình hinh kinh tế – xã hội tỉnh Bắc Ninh quý I/2023. Báo cáo cho biết sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc do chính sách zero-Covid đã “tác động trực tiếp vào các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bởi nhiều ngành phụ thuộc vào Trung Quốc như sản xuất điện tử, sản xuất kim loại”.

Bà Hoàn cho biết người quen của bà ở các doanh nghiệp nói rằng có những nhà máy cắt giảm 50% giờ làm việc của công nhân, và chỉ trả lương tối thiểu vùng hoặc cho công nhân nghỉ việc không lương. “Các nhà máy thường giữ một số công nhân [cốt lõi] để duy trì sản xuất ổn định. Sau đó, họ tuyển dụng phần còn lại từ các công ty tuyển dụng bên ngoài để thuận tiện điều chỉnh số lượng công nhân sản xuất”, bà nói. Đơn đặt hàng mới hiện tại đến trước chỉ 1 tháng, thay vì 3-6 tháng, bởi vì các thương hiệu không chắc chắn về nhu cầu.

Tuy nhiên, có một số nhà sản xuất vẫn cố gắng tuyển dụng, chẳng hạn như các nhà máy mới mở ngoài những trung tâm lâu đời ở Bắc Giang và Bắc Ninh, bà Hoàn cho biết. Theo bà, có ít nhất một nhà máy mới của Đài Loan hiện đang cần 10.000 công nhân.

Nhưng ngay cả khi nhu cầu phục hồi, có thể mất thời gian để công nhân quay trở lại sản xuất thiết bị điện tử.

“Điều này phần nào đáng lo ngại, vì lý do chính là công nhân điện tử thường là công nhân có trình độ”, theo Julien Brun – đối tác quản lý tại công tư tư vấn logistics CEL. Điều này có nghĩa là họ cần được đào tạo và nâng cao kỹ năng nhiều hơn. “Vì vậy, khi nhu cầu phục hồi đến mức tăng trưởng khá, sẽ có một quán tính nhất định trong việc tuyển dụng lại và đào tạo lại công nhân”.

Nam từng tin rằng công việc tại Samsung là lựa chọn tốt nhất của mình. Bây giờ, anh hy vọng chuyển sang ngành xây dựng. “Tôi có thể [ở đây] thêm 3-4 năm nữa, nhưng sau đó, thay vì làm việc trong môi trường an toàn, có điều hòa, tôi có thể chịu nắng mưa để kiếm được nhiều tiền hơn trong thời gian ngắn hơn”, anh nói. “Thế chẳng tốt hơn sao?”