VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Covid-19 tại Ấn Độ gây chấn động ngành vận tải biển toàn cầu

Covid-19 tại Ấn Độ gây chấn động ngành vận tải biển toàn cầu

09:19 - 07/05/2021

Các cảng biển trên thế giới từ chối tàu có thuyền viên từ Ấn Độ.

Làn sóng nhiễm COVID-19 khổng lồ của Ấn Độ đã tấn công ngành vận tải biển quốc tế, khi các thuyền viên đến từ nước này mắc bệnh và các cảng từ chối cho tàu vào.

Các cảng bao gồm Singapore và Fujairah ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã cấm các tàu sử dụng thành viên thủy thủ đoàn gần đây đã đi từ Ấn Độ, theo thông báo từ các nhà chức trách hàng hải. Theo Wilhelmsen Ship Management, một nhà cung cấp thuyền viên, cảng Chu San cảu Trung Quốc đã cấm nhập cảnh các tàu hoặc thủy thủ đoàn đã đến Ấn Độ hoặc Bangladesh trong ba tháng qua.

Các cảng biển bao gồm Singapore đã cấm các tàu sử dụng thuyền viên từng đến Ấn Độ gần đây

Các cảng biển bao gồm Singapore đã cấm các tàu sử dụng thuyền viên từng đến Ấn Độ gần đây

Các giám đốc trong ngành cũng cho biết các thuyền viên đến từ Ấn Độ đã xét nghiệm dương tính với COVID-19 trên tàu, mặc dù đã được cách ly và xét nghiệm âm tính trước khi lên tàu.

“Trước đây, chúng tôi đã có những con tàu có một hoặc hai người nhiễm bệnh”, Rajesh Unni, giám đốc điều hành của Tập đoàn Synergy Marine có trụ sở tại Singapore chuyên cung cấp thuyền viên cho biết. “Hôm nay, chúng tôi có một trường hợp mà toàn bộ con tàu bị nhiễm bệnh rất nhanh… có nghĩa là bản thân các con tàu bị bất động”.

Hôm thứ Năm, Ấn Độ báo cáo hơn 410.000 trường hợp nhiễm COVID-19 và gần 4.000 ca tử vong. Số ca bệnh tăng đột biến đã phá vỡ các kỷ lục toàn cầu và làm quá tải hệ thống y tế.

Cơ quan quản lý cảng của Nam Phi cho biết một tàu đến Durban từ Ấn Độ trong tuần này đã bị cách ly sau khi 14 thuyền viên Philippines có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Kỹ sư trưởng của con tàu chết vì đau tim.

Cùng với Philippines và Trung Quốc, Ấn Độ là một trong những nguồn cung cấp thuyền viên lớn nhất thế giới. Khoảng 240.000 trong số ước tính 1,6 triệu thuyền viên trên toàn cầu đến từ đất nước này, theo Văn phòng Vận tải biển Quốc tế, một cơ quan trong ngành.

Singapore, một trung tâm vận tải biển lớn, đã mở rộng lệnh cấm đối với thủy thủ đoàn từ các nước bao gồm Pakistan và Bangladesh.

Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, các nhà điều hành cảnh báo những hạn chế có thể gây sóng gió cho ngành vận tải biển đang gặp áp lực, vốn chuyên chở 80% thương mại toàn cầu.

Mark O’Neil, chủ tịch của InterManager, đại diện cho ngành quản lý thuyền viên, cho biết sự tắc nghẽn của kênh đào Suez trong tháng 3 “sẽ không là gì so với sự gián đoạn [chuỗi cung ứng] do không thể thay đổi thuyền viên”.

Mùa hè năm ngoái, khoảng 400.000 thuyền viên đã bị mắc kẹt trên biển vượt quá thời hạn hợp đồng của họ vì đại dịch. Mặc dù con số này đã giảm, nhưng những lo ngại đang gia tăng do số ca nhiễm coronavirus đang tăng trở lại trên toàn cầu từ tháng 3.

Niels Bruus, người đứng đầu bộ phận nhân sự hàng hải của Maersk, công ty vận tải container lớn nhất thế giới, cho biết: “Nếu các hạn chế đi lại tiếp tục như vậy, chúng ta có thể rơi vào tình huống tương tự như cuộc khủng hoảng thay thuyền viên toàn cầu mà chúng ta đã thấy vào năm 2020”.

“Tình hình thay thuyền viên đã từ tồi tệ trở nên tồi tệ hơn. Và đó là cách nói nhẹ”, Carl Schou, giám đốc điều hành của Wilhelmsen, công ty có 15% trong số khoảng 10.000 nhân viên đến từ Ấn Độ, cho biết.

Công ty thuộc sở hữu của Na Uy đã ngừng thay thủy thủ đoàn ở Ấn Độ từ ngày 24 tháng 4 cho đến ít nhất là cuối tháng 5. Schou nói thêm rằng kết quả kiểm tra COVID-19 đối với các thủy thủ Ấn Độ đã không được thông báo đúng thời gian khởi hành theo lịch trình vì “toàn bộ hệ thống y tế về cơ bản đã sụp đổ ở Ấn Độ”.

Bernhard Schulte Shipmanagement, một nhóm quản lý thuyền viên của Đức, cho biết họ đang tạm thời tuyển thuyền viên từ các quốc gia khác để thay thế những người Ấn Độ xuống tàu hoặc đã có lịch lên tàu.

Các nhà điều hành hãng tàu cho biết rằng các thuyền viên cần được ưu tiên trong việc triển khai tiêm vắc xin toàn cầu khi các quốc gia đưa ra các yêu cầu về tiêm vắc xin để nhập cảnh. Nhưng họ đã thất vọng vì tốc độ tiêm chậm chạp thông qua Tổ chức Hàng hải Quốc tế, cơ quan của Liên hợp quốc chịu trách nhiệm về vận tải hàng hải.

“Chúng tôi chỉ đơn giản là đang vò đầu bứt tóc với bộ máy quan liêu và trò ‘bóng bàn chính trị’ đang diễn ra liên quan đến vấn đề tiêm chủng này”, O’Neil cho biết.

Abdulgani Serang, tổng thư ký của Công đoàn Quốc gia của Thủy thủ Ấn Độ, cho biết ông cảm thấy chính quyền đã không làm đủ để tiêm vắc xin cho các thủy thủ Ấn Độ: “Chúng ta đã làm họ thất vọng”.