VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Taliban chiếm thành phố lớn thứ hai Afghanistan

Taliban chiếm thành phố lớn thứ hai Afghanistan

23:06 - 14/08/2021

Lực lượng Taliban chiếm kiểm soát hoàn toàn vùng phía nam và tây Afghanistan, chuẩn bị tấn công thủ đô Kabul.

Taliban đang tiến công nhanh chóng trên khắp Afghanistan bằng việc chiếm Kandahar, thành phố lớn thứ hai của nước này và là nơi khai sinh của phong trào Hồi giáo. Lực lượng này đang đe dọa Kabul, khiến Mỹ phải gửi hàng nghìn quân để sơ tán các nhân sự ngoại giao.

Sau 20 năm chiến tranh, phần lớn những gì Mỹ tìm cách đạt được ở Afghanistan đã sụp đổ chỉ trong một tuần. Trước đó, phong trào nổi dậy không kiểm soát bất kỳ thủ phủ tỉnh nào của Afghanistan cho đến khi chiếm được thành phố Zaranj hẻo lánh vào ngày 6/8.

Quân Taliban chiếm thành phố Kandahar vào thứ Sáu.

Quân Taliban chiếm thành phố Kandahar vào thứ Sáu.

Trong cuộc tiến công đó, lực lượng an ninh Afghanistan, với quân số 350.000 người, phần lớn đầu hàng mà không chiến đấu. Các binh sĩ từ bỏ vũ khí do Mỹ mua và chấp nhận lời hứa ân xá của Taliban. Các chính trị gia trong chính phủ được Mỹ hậu thuẫn ở Kabul tiếp tục tranh cãi. Một số quan chức cấp cao lặng lẽ bỏ ra nước ngoài, vào thời điểm cần sự đoàn kết.

Đến tối thứ Sáu, khi các đơn vị đầu tiên của Mỹ bắt đầu đến sân bay để sơ tán phần lớn nhân viên ngoại giao Mỹ, hầu hết ý kiến ở Kabul cho rằng thủ đô Afghanistan sẽ sớm nằm dưới tay Taliban cũng như nhiều thành phố cấp tỉnh.

Sự tiến công của lực lượng Taliban đặt ra một thách thức chính sách đối ngoại lớn đối với Nhà Trắng, khoảng 4 tháng sau khi Biden nói rằng tất cả các lực lượng Mỹ sẽ rời Afghanistan vào ngày 11/9. Taliban đã phát động cuộc tấn công ngay sau tuyên bố của Biden.

Biden đã nhận được một báo cáo về việc giảm sự hiện diện dân sự của Mỹ ở Afghanistan, Nhà Trắng cho biết.

Tổng thống Mỹ đầu tuần này cho biết, sau rất nhiều nỗ lực hỗ trợ của Mỹ trong 2 thập kỷ kể từ sau cuộc tấn công hậu 11/9 vào Afghanistan, giờ đây lãnh đạo quốc gia và người dân phải tập hợp ý chí chiến đấu. Chính quyền Biden đã cam kết duy trì mức độ hỗ trợ cao về ngoại giao và phát triển, hỗ trợ một phần về quân sự cho chính phủ Afghanistan trong suốt thời gian rút lui và sau đó. Tuy nhiên, sự rút lui nhanh chóng vào mùa hè này đã tước đi của quân đội Afghanistan các cuộc không kích quan trọng, khả năng bảo trì và các khả năng hỗ trợ khác cần thiết để chiến đấu, theo các cựu quan chức và chuyên gia chính sách đối ngoại.

Mỹ và các đại sứ quán phương Tây khác, vốn đã kêu gọi công dân rời khỏi Afghanistan ngay lập tức, đã bắt đầu quá trình thu hẹp đáng kể sự hiện diện của mình. Điều đó đã khiến hàng nghìn người Afghanistan, lo sợ cho tính mạng của họ dưới thời Taliban, tìm cách rời khỏi đất nước vào thời điểm nhiều cơ quan đại diện nước ngoài ngừng nhận yêu cầu cấp thị thực.

Đối với Taliban, chiến thắng lớn nhất cho đến nay là việc chiếm giữ Kandahar hôm thứ Sáu, nơi người sáng lập Taliban Mullah Omar mặc áo choàng của Nhà tiên tri Muhammad và tự xưng là chỉ huy của các tín đồ vào năm 1996, để rồi sau đó chiếm hầu hết đất nước.

Sự sụp đổ nhanh chóng của các lực lượng chính quy của Afghanistan đã khiến các đồng minh, bao gồm cả những nước đã đóng góp quân cho liên minh do Mỹ dẫn đầu, thất vọng. Đồng thời làm dấy lên những lo lắng về giá trị của các cam kết của Mỹ ở nước ngoài.

Một số đồng minh, chuyên gia chính sách đối ngoại và những người chỉ trích chính sách của Biden lo ngại rằng sự hỗn loạn của Afghanistan sẽ mở ra cánh cửa cho các nhóm cực đoan phát triển trở lại và tạo cơ hội cho Trung Quốc và Nga mở rộng ảnh hưởng.

Đối với các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông là Ả Rập Xê-út và Israel, họ lo ngại việc thay đổi ưu tiên của Mỹ có thể giảm khả năng hỗ trợ của nước này để chống lại ảnh hưởng của Iran, Trung Quốc và Nga trong khu vực.