VNReport»Kinh tế»Tài chính»Trước VinFast, từng có một doanh nghiệp Việt niêm yết ở Mỹ thông qua SPAC

Trước VinFast, từng có một doanh nghiệp Việt niêm yết ở Mỹ thông qua SPAC

07:52 - 19/05/2023

Năm 2009, Cavico trở thành doanh nghiệp Việt đầu tiên niêm yết ở Mỹ thông qua hình thức SPAC. Chưa đầy 2 năm sau, doanh nghiệp này bị hủy niêm yết.

Cuối tuần trước, VinFast thông báo kế hoạch niêm yết ở Mỹ thông qua một công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC). Nếu thực hiện kế hoạch này, VinFast sẽ trở thành doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam niêm yết ở Mỹ, nhưng không phải là doanh nghiệp đầu tiên.

Danh hiệu đó thuộc về một doanh nghiệp xây dựng và khai khoáng có tên là Cavico. Công ty này niêm yết ở sàn Nasdaq từ năm 2009, cũng thông qua một SPAC. Nhưng đến năm 2011, cổ phiếu của Cavico bị hủy niêm yết.

Câu chuyện niêm yết thành công rồi bị hủy niêm yết của Cavico là bài học kinh nghiệm cho bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào muốn tiếp cận thị trường vốn lớn nhất thế giới.

Việc niêm yết ở Mỹ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường vốn lớn nhất thế giới.

Việc niêm yết ở Mỹ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường vốn lớn nhất thế giới.

Cavico được thành lập ngày 29/2/2000 với trụ sở chính tại Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội. Công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy điện; tham gia đầu tư xây dựng các dự án sản xuất điện; sản xuất xi măng, khu đô thị, khu du lịch, sản phẩm dịch vụ… Cavico từng tham gia xây dựng nhiều dự án trọng điểm như: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 (đoạn Vinh – Đông Hà, Hà Nội – Lạng Sơn).

Công ty sau đó thành lập một loạt các công ty con đảm nhận những mảng kinh doanh khác nhau như xây cầu hầm, khai thác mỏ, xây lắp điện, hạ tầng, thương mại, giao thông, thiết kế … Năm 2003, Cavico hợp tác với Vinaconex để thành lập Công ty TNHH MTV Xây dựng Vinavico, hợp tác với HabuBank thành lập Công ty Cổ phần Cavico.

Năm 2006, Cavico trở thành doanh nghiệp Việt đầu tiên tiếp cận được thị trường vốn của Mỹ sau khi xuất hiện trên bảng Pink Sheets với mã “CVCP”. Cùng năm, các công ty thành viên như Cavico Khai thác mỏ cũng niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) và Vinavico niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Vào thời điểm đó, đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam, việc huy động vốn và niêm yết tại thị trường nước ngoài còn rất mới mẻ và khó khăn. Để niêm yết ở Mỹ, một doanh nghiệp phải đáp ứng những yêu cầu rất khắt khe liên quan đến doanh thu, lợi nhuận, chuẩn mực báo cáo tài chính … Điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian và chi phí. Vì vậy, Cavico chọn phương pháp niêm yết thông qua sáp nhập với SPAC – một phương án đơn giản và nhanh chóng hơn so với quy trình chào bán công khai lần đầu (IPO).

Cavico đạt được thỏa thuận SPAC với công ty Agent155 Media Group. Điều này nghĩa là Agent155 Media Group trên danh nghĩa sẽ mua lại Cavico, cho phép công ty sau sáp nhập được niêm yết trên Pink Sheets. Agent155 Media Group đổi tên thành Cavico Corp. sau khi hoàn thành thương vụ. Đơn vị tư vấn là Provential Holdings nhận được cổ phiếu của công ty sau sáp nhập thay cho phí cung cấp dịch vụ tư vấn.

Sau khi xuất hiện trên Pink Sheets, chỉ trong vòng 1 tháng (từ 26/6 đến 26/7/2006), giá cổ phiếu CVCP tăng khoảng 60%, từ 1,7 USD lên 2,69 USD. Khối lượng giao dịch cao nhất trong ngày là gần 79.400 cổ phiếu.

Không dừng lại ở Pink Sheets, Cavico có tham vọng niêm yết trên những sàn chứng khoán lớn hơn. Sau khi hợp tác với các định chế tài chính quốc tế để cải thiện tiêu chuẩn kế toán, Cavico trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết trên Nasdaq – sàn chứng khoán lớn thứ hai thế giới – vào ngày 18/9/2009 dưới mã CAVO.

Tuy nhiên, khi niêm yết trên Nasdaq, những vấn đề bắt đầu bộc lộ. Thứ nhất, vì Cavico chọn niêm yết bằng SPAC thay vì IPO truyền thống, công ty không phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất cho đến khi lên sàn. Điều đó khiến Cavico khó thích nghi nhanh chóng những yêu cầu công bố thông tin của thị trường chứng khoán Mỹ.

Thứ hai, nguồn lực để duy trì niêm yết ở cả hai thị trường Mỹ và Việt Nam là rất lớn, khi mà công ty phải tuân thủ những tiêu chuẩn báo cáo tài chính, kế toán của cả hai nước.

Đến ngày 6/7/2011, chưa đầy 2 năm sau khi lên sàn Nasdaq, cổ phiếu của Cavico bị hủy niêm yết vì chậm công bố thông tin, cụ thể là báo cáo tài chính năm 2010. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của mình, cổ phiếu CAVO có giá 0,48 USD.