VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Khủng hoảng năng lượng Trung Quốc đe dọa chuỗi cung ứng

Khủng hoảng năng lượng Trung Quốc đe dọa chuỗi cung ứng

16:59 - 18/10/2021

Người mua hàng ở châu Âu và Mỹ phải chờ lâu hơn để có nguồn cung khi các nhà máy Trung Quốc buộc phải giảm công suất.

Các chủ nhà máy ở Trung Quốc và khách hàng của họ trên toàn thế giới được kêu gọi sẵn sàng chuẩn bị cho sự gián đoạn nguồn cung điện thường xuyên hơn, khi chủ tịch nước này Tập Cận Bình kiên quyết tách nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khỏi sự phụ thuộc vào than đá.

Tình trạng thiếu điện nhiều tháng khiến các hộ gia đình ở đông bắc Trung Quốc và nhà máy trên khắp đất nước mất điện. Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng vẫn đang tăng cao trong bối cảnh nhu cầu hàng xuất khẩu của Trung Quốc đạt kỷ lục, và các vấn đề sẽ gia tăng vào mùa đông.

Bất chấp hàng loạt những biện pháp can thiệp của chính quyền trung ương, đứng đầu là thủ tướng Lý Khắc Cường, các nhà sản xuất Trung Quốc cũng như các công ty đa quốc gia được khuyến khích tăng cường hiệu suất năng lượng trong những nhà máy và tăng tốc đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Nhu cầu năng lượng đang tăng vọt trong bối cảnh nhu cầu hàng xuất khẩu của Trung Quốc đạt kỷ lục.

Nhu cầu năng lượng đang tăng vọt trong bối cảnh nhu cầu hàng xuất khẩu của Trung Quốc đạt kỷ lục.

Trueanalog Strictly OEM, một nhà máy sản xuất loa gần Quảng Châu, là đại diện cho cuộc khủng hoảng, ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu do tình trạng mất điện thường xuyên. Chủ sở hữu Philip Richardson cho biết công ty của ông đang gặp khó khăn khi “chơi trò đuổi bắt”. “Khi cắt điện, sẽ xảy ra hiệu ứng domino: nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất kết dính trong dây chuyền sản xuất, chúng tôi phải đặt lại đồ gá, làm mất đi 20 đến 30% năng suất trong ngày… Nó thực sự là một rắc rối”, ông nói.

Will Jones, giám đốc điều hành của Hiệp hội Thương mại Nâng cao Nhà cửa của Anh, cho biết 1/3 số thành viên trong lĩnh vực DIY và làm vườn báo cáo rằng các nhà cung cấp đã kéo dài thời gian sản xuất của họ. Jones cho biết, hậu quả là áp lực lạm phát tăng thêm và tình trạng thiếu hụt sản phẩm ngày càng nhiều. “Điều này có tác động đến một tình huống vốn đã rất thách thức cho các nhà cung cấp với những hạn chế về không gian trên các tàu container và chi phí tăng cao”, Jones nói.

Chính phủ Trung Quốc thực hiện cách tiếp cận thực dụng ngắn hạn để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng bằng cách chuyển sang sử dụng các loại nhiên liệu bẩn hơn, bất chấp những lời hứa cắt giảm than trong dài hạn. Trong tuần qua, chính phủ đã ra lệnh mở rộng nhanh chóng các mỏ than. Bắc Kinh cũng ra quyết định cải cách thị trường sâu rộng, buộc tất cả các máy phát điện chạy bằng than phải bán vào thị trường bán buôn, cho phép giá điện tăng tới 20% và nâng trần giá đối với một số người sử dụng lớn.

David Fishman, một nhà phân tích năng lượng tại Lantau Group, cho biết, cuộc đại tu thị trường là một “bước tiến lớn” hướng tới tự do hóa ngành điện.

Tuy nhiên, các hành động của chính phủ được cho là sẽ không chấm dứt tình trạng gián đoạn nguồn cung điện ngay lập tức. Cùng với những căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản, tình trạng thiếu điện đã tạo thêm áp lực cho số liệu tăng trưởng quý III của Trung Quốc, chỉ đạt 4,9%. “Rất nhiều công ty đã thực sự ngạc nhiên trước mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu điện”, Thomas Luedi, chuyên gia năng lượng tại công ty tư vấn Bain, cho biết. Nhưng họ phải “nhận ra nó có thể sẽ tiếp tục xảy ra đến cuối năm nay”.

Luedi nói thêm rằng việc tăng giá năng lượng sẽ nhanh chóng buộc một số nhà sản xuất phải cắt giảm sản lượng, là một biện pháp giải tỏa cho lưới điện đang căng thẳng. Ông nói: “các nhà sản xuất kém hiệu quả có thể rơi tự do”, nhắc đến các nhà sản xuất vật liệu nấu chảy như ferromangan và silicon luyện kim cấp quy mô nhỏ có khả năng là nạn nhân đầu tiên.

Tại Quảng Đông, trung tâm sản xuất lớn nhất của Trung Quốc, các quan chức cấp cao cho biết gần 150.000 công ty đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu năng lượng vào tháng trước, những người biết về một cuộc họp báo của chính phủ nói với Financial Times. Trong một động thái nhượng bộ rằng vấn đề không thể giải quyết ngay lập tức, các quan chức Quảng Đông cảnh báo riêng việc phân phối theo định mức có thể sẽ còn kéo dài. Họ cũng khuyến khích các công ty sử dụng điện tự sản xuất. Điều này có thể đồng nghĩa với việc sử dụng dầu diesel nhiều hơn để sản xuất điện.

Một khu công nghiệp ở tỉnh Quảng Đông bị hạn chế nguồn cung điện.

Một khu công nghiệp ở tỉnh Quảng Đông bị hạn chế nguồn cung điện.

“Rất nhiều công ty sẽ quay trở lại với máy phát điện sân sau của họ. Một số máy trong đó bất hợp pháp. Họ sẽ phải trang bị mới cho chúng, nhưng điều đó nhanh hơn rất nhiều so với việc xây một nhà máy điện”, một doanh nhân ở miền nam Trung Quốc đề nghị giấu tên cho biết. “Tình trạng thiếu điện đang làm mất từ 30 đến 40% thời gian hoạt động và các công ty thương mại cũng đang gặp phải điều tương tự,” ông nói và thêm rằng tình trạng thiếu điện sẽ không “biến mất vào ngày mai”.

Richardson, chủ sở hữu nhà máy loa, đã phải dùng máy phát điện diesel mặc dù chi phí tăng gấp 5 lần, để đưa sản phẩm của mình đến với khách hàng ở châu Âu và Mỹ. Ông cũng điều động nhân viên tạm thời làm ca đêm và đang chuyển sang vận tải hàng không có chi phí cao hơn như một giải pháp khi các cảng bị tắc nghẽn.

Ngay cả những công ty có vị thế hưởng lợi từ phản ứng của chính phủ – chẳng hạn như những công ty dịch vụ khai thác mỏ và sản xuất điện dự phòng – cũng phải đối mặt với những vấn đề trong việc nắm bắt cơ hội. Nathan Stoner, người lãnh đạo các hoạt động tại Trung Quốc của Cummins, một tập đoàn công nghiệp điện và khai thác mỏ của Mỹ, cho biết “trong khi vẫn có một số cơ hội”, hoạt động của công ty bị hạn chế bởi việc cắt điện đối với các nhà máy và nhà cung cấp linh kiện của mình.

Tại Anh, Steve Levy, giám đốc điều hành nhà bán lẻ Heat Outdoors, cho biết tất cả trừ một trong số những nhà cung cấp máy sưởi ngoài trời và máy sấy tay tại Trung Quốc của ông, chủ yếu có trụ sở tại Giang Tô và Quảng Đông, đã phải ngừng hoạt động nửa tuần. Thời gian sản xuất từ một nhà cung cấp Trung Quốc tăng lên 6 tháng từ 4 tháng trong hầu hết thời gian đại dịch và 10 tuần trước khi xuất hiện virus corona. “Tôi không thể đưa ra quyết định cho tháng 4”, Levy nói, bởi vì ông “không biết” thị trường lúc đó sẽ như thế nào.

Luedi của Bain cảnh báo rằng mọi người không nên “bị lừa” bởi việc Trung Quốc chuyển sang sử dụng than để đối phó với cuộc khủng hoảng này. “Đường xu hướng rõ ràng. Nhưng có rất nhiều biến động xung quanh đường xu hướng”, ông nói. “Chỉ cần có thêm một vài điểm phần trăm của tăng trưởng kinh tế và điều đó có thể khiến hệ thống tạm thời bất ổn”.