VNReport»Kinh tế»Tài chính»Ngân hàng Trung ương Anh can thiệp để ổn định thị trường trái phiếu

Ngân hàng Trung ương Anh can thiệp để ổn định thị trường trái phiếu

10:03 - 29/09/2022

Động thái của Ngân hàng Trung ương Anh là sự đảo ngược trong ngắn hạn chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Hành động này nhằm lập lại trật tự trên thị trường sau khi kế hoạch ngân sách mới của chính phủ gây ra đợt bán tháo trái phiếu.

Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tiến hành biện pháp can thiệp khẩn cấp để khôi phục trật tự trên thị trường trái phiếu sau khi kế hoạch cắt giảm thuế của chính phủ khiến chi phí vay tăng vọt và gây ra khủng hoảng trong các công cụ tài chính phức tạp do các quỹ hưu trí nắm giữ.

Hôm thứ Tư, BOE cho biết họ sẽ mua trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn dài “ở bất kỳ quy mô nào cần thiết” để trấn an thị trường và ngăn chặn sự lây lan tài chính gây thiệt hại kinh tế rộng hơn. Các nhà phân tích cho biết rằng động thái này nhằm mục đích khắc phục thiệt hại từ đợt bán tháo dữ dội trái phiếu chính phủ của Anh trong những ngày gần đây và ngăn chặn các khoản lỗ vượt quá tầm kiểm soát.

Động thái của BOE gây ra phản ứng ngay lập tức trên thị trường, nhưng các nhà đầu tư và nhà kinh tế cho biết vẫn còn quá sớm để đánh giá mức độ thiệt hại và liệu nỗ lực của ngân hàng có đủ để ổn định tình hình hay không. Giá trái phiếu ở Anh và các thị trường khác đều tăng, khiến chi phí đi vay thấp hơn. Lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm của Anh giảm mạnh xuống 3,93%, từ mức hơn 5% trước khi BOE công bố động thái của mình.

Ngân hàng Trung ương Anh tuyên bố mua trái phiếu chính phủ Anh dài hạn để trấn an thị trường.

Ngân hàng Trung ương Anh tuyên bố mua trái phiếu chính phủ Anh dài hạn để trấn an thị trường.

Ngân hàng cho biết họ chào mua 5 tỷ bảng trái phiếu vào thứ Tư (tương đương 5,4 tỷ USD) nhưng chỉ thu về 1 tỷ bảng.

Đồng bảng Anh dao động mạnh so với đồng USD, giảm hơn 1% trước khi phục hồi và đóng cửa tăng 1,46% ở mức 1.0891 USD.

Tình trạng hỗn loạn gần đây bắt đầu từ thứ Sáu tuần trước khi chính phủ Anh – do Thủ tướng mới Liz Truss lãnh đạo – công bố một gói cắt giảm thuế lớn bất ngờ được tài trợ bởi việc tăng vay nợ. Đồng bảng Anh lao dốc và lợi suất trái phiếu chính phủ Anh tăng vọt, khiến giá trị của trái phiếu – thường được coi là tài sản an toàn và ổn định – giảm mạnh.

BOE cho biết các giao dịch mua, dự kiến ​​kéo dài đến giữa tháng 10, có thời hạn và “nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể trên thị trường trái phiếu chính phủ dài hạn”. Động thái này lặp lại điều mà các ngân hàng trung ương từng thực hiện trong những cuộc khủng hoảng trước đây, bao gồm cả trong cuộc khủng hoảng Covid-19 và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Những công cụ tài chính phức tạp – ít được giới đầu tư thông thường biết đến – một lần nữa đóng vai trò gia tăng thiệt hại trên thị trường.

Vấn đề hiện tại liên quan đến các sản phẩm tài chính được gọi là quỹ đầu tư theo hướng trách nhiệm pháp lý, hoặc LDI, theo những người quen thuộc với vấn đề.

LDI được sử dụng chủ yếu bởi các quỹ hưu trí để liên kết các khoản nợ phải trả dài hạn với người về hưu tốt hơn so với việc sở hữu trái phiếu chính phủ dài hạn thông thường. Nhưng chúng làm gia tăng lỗ nếu lãi suất tăng nhanh. LDI ngày càng trở nên phổ biến trong suốt thời gian lãi suất siêu thấp kéo dài trong thập kỷ qua. Những thay đổi về quy định cũng khuyến khích việc sử dụng chúng.

Sự can thiệp của BOE phản ánh lo ngại rằng cuộc khủng hoảng trên thị trường LDI đang trở thành một cuộc khủng hoảng toàn hệ thống có nguy cơ ảnh hưởng đến nền kinh tế Anh vốn đang khó khăn.

“Nếu tình trạng rối loạn trên thị trường này tiếp tục hoặc xấu đi, thì sẽ có rủi ro lớn đối với sự ổn định tài chính của Anh”, BOE cho biết. “Điều đó dẫn đến việc thắt chặt các điều kiện tài chính một cách không phù hợp và giảm dòng vốn tín dụng vào nền kinh tế thực”.

Việc giải cứu thị trường trái phiếu đòi hỏi BOE về cơ bản phải đảo ngược hướng đi chính sách của mình, ít nhất là trong ngắn hạn. Họ phải hoãn việc bán trái phiếu chính phủ theo chương trình thắt chặt định lượng nhằm giúp kiềm chế lạm phát. Chương trình đó đã được các nhà hoạch định chính sách đồng ý vào đầu tháng này và dự kiến bắt đầu vào tuần tới, nhưng bây giờ bị trì hoãn đến ngày 31/10.

Kế hoạch đi vay lớn bất ngờ của chính phủ đi ngược lại với chính sách của ngân hàng trung ương – đang cố gắng kiềm chế lạm phát thông qua lãi suất cao hơn. “Động thái này có một chút hoảng sợ và cả thất vọng rằng chính phủ dường như không muốn thay đổi quan điểm chính trị”, theo Susannah Streeter – một nhà phân tích đầu tư tại công ty quản lý tiền Hargreaves Lansdown. “Thay vào đó, Ngân hàng Trung ương Anh buộc phải thay đổi đột ngột chính sách tiền tệ”.

Rắc rối tài chính của Anh đang trở thành mối quan tâm toàn cầu. Hôm thứ Ba, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra cảnh báo công khai hiếm hoi về kế hoạch ngân sách của Anh.