VNReport»Top»3 tỷ phú Việt nhận lương 0 đồng

3 tỷ phú Việt nhận lương 0 đồng

11:41 - 30/03/2023

Ông Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long và Nguyễn Đăng Quang là 3 tỷ phú USD ở Việt Nam nhận lương 0 đồng, theo thông tin công bố mới nhất của Vingroup, Hòa Phát và Masan.

  1. Phạm Nhật Vượng

Theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022 của Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn – cùng với nhiều thành viên HĐQT khác không nhận thù lao. Báo cáo cũng cho thấy ông Vượng không nhận thù lao trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021.

Ông Vượng hiện là người giàu nhất Việt Nam theo Forbes, với định giá tài sản 4,4 tỷ USD.

Năm 2022, Tập đoàn Vingroup của ông Vượng ghi nhận doanh thu thuần hơn 101 nghìn tỷ đồng, giàm 19% so với năm 2021, nhưng lợi nhuận ròng đạt kỷ lục 8.325 tỷ đồng. Cổ phiếu VIC của tập đoàn giảm giá từ 95.100 đồng xuống 53.800 đồng trong năm ngoái, tương ứng mức giảm 43%.

Cùng với ông Vượng, bà Nguyễn Diệu Linh – Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup và ông Yoo Ji Han – Thành viên HĐQT độc lập Vingroup cũng nhận lương 0 đồng trong nửa đầu năm 2022. Trong khi đó, các thành viên HĐQT khác nhận thù lao từ 517 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng, cao nhất là vợ và em vợ của ông Vượng.

  1. Trần Đình Long

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, 8 thành viên HĐQT của Tập đoàn Hòa Phát – bao gồm Chủ tịch Trần Đình Long – không nhận thù lao trong năm ngoái, khi kết quả kinh doanh của tập đoàn sa sút.

Năm 2022, lợi nhuận của nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam giảm mạnh trong bối cảnh khó khăn chung của ngành thép. Với khoản lỗ gần 4.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm, lợi nhuận ròng cả năm của Hòa Phát giảm 76% so với năm 2021, xuống còn 8.400 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu HPG cũng lao dốc trong năm ngoái, giảm từ 35.099 đồng (sau điều chỉnh) xuống 18.000 đồng, tương đương mức giảm 51%.

Theo bảng xếp hạng của Forbes, ông Long là người giàu thứ ba Việt Nam với khối tài sản 1,8 tỷ USD, xếp sau ông Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sovico và Tổng giám đốc Vietjet Air. Ông Long hiện đang nắm giữ hơn 1,5 tỷ cổ phiếu HPG, bằng khoảng 26% vốn điều lệ tập đoàn.

  1. Nguyễn Đăng Quang

Ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan – là một trong 6 tỷ phú USD của Việt Nam, với giá trị tài sản 1,2 tỷ USD, theo Forbes.

Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022, ông cùng với 6 thành viên khác trong HĐQT Masan nhận thù lao 0 đồng. Trên thực tế, từ năm 2022, sau khi tập đoàn mua lại chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+ từ Vingroup (nay là WinMart và WinMart+), HĐQT Masan đã không nhận thù lao.

Doanh thu và lợi nhuận của Masan đều giảm trong năm 2022, vì tập đoàn này bán mảng thức ăn chăn nuôi cho De Heus. Cụ thể, doanh thu của Masan giảm 14%, từ 88.629 tỷ đồng xuống 76.189 tỷ đồng. Lợi nhuận giảm 58% từ 8.563 tỷ đồng xuống 3.567 tỷ đồng, do Masan ghi nhận khoản lãi tài chính đột biến trong năm 2021 nhờ thương vụ bán mảng thức ăn chăn nuôi.

Giá cổ phiếu MSN của Masan cũng giảm sâu trong năm 2022, từ mức 141.516 đồng đầu năm (sau điều chỉnh) xuống 93.000 đồng, tương ứng giảm 34%.