VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Liban đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới

Liban đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới

17:20 - 22/09/2022

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đất nước Liban đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế giới, với gần 3/4 dân số bị đẩy vào tình cảnh nghèo đói cùng cực.

Liban đã rơi vào “vòng xoáy” của cuộc suy thoái kinh tế bắt đầu từ năm 2019 và ngày càng trở nên tồi tệ hơn do đại dịch Covid-19 và vụ nổ amoni nitrat tại cảng Beirut vào năm 2020. Đây được đánh giá là một trong những vụ nổ phi hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử loài người. Vụ nổ đã khiến ít nhất 218 người chết và 7.000 người khác bị thương, ít nhất 300.000 người mất nhà cửa.

Gần đây, tình hình an ninh và trật tự xã hội ngày càng trở nên phức tạp ở Liban khi những người gửi tiền tấn công các ngân hàng để yêu cầu được rút tiền tiết kiệm gửi bằng ngoại tệ. Chỉ trong vòng 1 tuần trở lại đây, Liban đã ghi nhận ít nhất 7 vụ tấn công ngân hàng, trong đó có 5 vụ diễn ra trong cùng một ngày. Do lo ngại an ninh, các ngân hàng Liban đã buộc phải đóng cửa trong 3 ngày bắt đầu từ ngày 19/9.

Người dân Liban tấn công các ngân hàng để yêu cầu được rút tiền tiết kiệm

Trong bối cảnh lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ và chưa thể thành lập được chính phủ mới gần bốn tháng sau cuộc bầu cử Quốc hội, nước này đã ghi nhận tỷ lệ lạm phát ở mức ba con số trong tháng thứ 25 liên tiếp. Lạm phát tại Liban trong tháng 7/2022 đã ở mức 168% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 7,4% so với tháng 6/2022.

Đồng tiền lira của quốc gia này đã mất 95% giá trị kể từ năm 2019. Theo các trang web theo dõi tỷ giá hối đoái, tỷ giá giữa đồng bảng của Liban và đồng USD cuối tuần qua đã giảm mạnh xuống mức 38.600 bảng đổi 1 USD. Với sự sụt giảm trong những ngày qua, giá trị đồng bảng Liban đã ở mức thấp kỷ lục mới so với đồng USD, đẩy quốc gia Trung Đông này chìm sâu hơn trong khủng hoảng kinh tế và tài chính.

Nền kinh tế Liban cũng đã sụp đổ sau khi nước này không thể thanh toán được khoản trái phiếu Eurobonds đến kỳ hạn trị gía khoảng 31 tỷ USD vào tháng 3/2020. Giá trị đồng nội tệ của Liban giảm hơn 90% so với đồng USD trên thị trường chợ đen. Trong khi đó, nợ công của Liban trong năm 2021 đã tăng lên hơn 100 tỷ USD.

Theo WB, kinh tế Liban đã giảm khoảng 58% trong giai đoạn từ năm 2019-2021, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm từ khoảng 52 tỷ USD năm 2019 xuống còn 21,8 tỷ USD vào năm 2021. Liban có tỷ lệ nợ trên GDP cao thứ tư thế giới và cuộc khủng hoảng kinh tế của nước này là một trong ba cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ giữa thế kỷ 19.

Trước những khó khăn kinh tế hiện nay, Liban đang tìm kiếm một gói cứu trợ tài chính trị giá 3 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), song việc các chính trị gia tại Liban không đạt được đồng thuận về việc thành lập chính phủ mới sẽ khiến cuộc khủng hoảng kinh tế trở nên tồi tệ hơn. Điều đó có thể làm trì hoãn chương trình cứu trợ trị giá 3 tỷ USD mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho quốc gia Trung Đông này.

Ngày 20/9 vừa qua, Đại sứ của Liên minh châu Âu (EU) tại Liban Ralph Tarraf cũng đã bày tỏ quan ngại với Tổng thống Liban Michel Aoun về cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng ở quốc gia Trung Đông này. Ông Tarraf cho biết thêm Liban cần phải thực hiện ngay các biện pháp khẩn cấp để đối phó với những thách thức hiện nay. EU và các nước thành viên luôn sẵn sàng hỗ trợ Liban trong giai đoạn quan trọng này, cả về mặt chính trị và tài chính nhằm giúp nước này thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế toàn diện cũng như chương trình hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).