VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá dầu thô ở Mỹ lên cao nhất 7 năm

Giá dầu thô ở Mỹ lên cao nhất 7 năm

09:38 - 05/10/2021

Quyết định của OPEC+ có thể gây căng thẳng giữa nhóm này và Nhà Trắng, vốn lo ngại giá dầu tăng có thể cản trợ sự phục hồi kinh tế.

Giá dầu Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 7 năm sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh từ chối đẩy nhanh kế hoạch tăng sản lượng dầu thô. Với động thái này, OPEC phớt lờ lời kêu gọi từ Nhà Trắng nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang gia tăng.

Châu Âu và Châu Á đang bị ảnh hưởng bởi nguồn cung năng lượng thắt chặt, đẩy giá khí đốt và giá than lên mức cao nhất trong lịch sử, trong khi giá dầu tăng ổn định khi nền kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch.

Nhưng nhóm OPEC+, bao gồm cả Nga kể từ năm 2016, sau cuộc họp trực tuyến hôm thứ Hai cho biết họ sẽ giữ nguyên kế hoạch được lập vào mùa hè này. Theo đó, nhóm chỉ tăng dần sản lượng dầu ở mức 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, bất chấp cảnh báo về khoảng cách ngày càng tăng giữa cung và cầu.

Quyết định này có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa các nước tiêu thụ năng lượng lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, vốn lo ngại lạm phát chi phí năng lượng có thể làm ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của họ, và nhóm sản xuất, kiểm soát hơn một nửa nguồn cung dầu toàn cầu.

Giá dầu tiêu chuẩn West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ đã tăng 3% sau cuộc họp lên hơn 78 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014. Trong khi đó, dầu thô Brent, tiêu chuẩn quốc tế, tăng lên 82 USD/thùng lần đầu tiên sau 3 năm.

Giá dầu WTI lên mức cao nhất kể từ năm 2014. Đơn vị: USD/thùng. Nguồn: Refinitiv và FT.

Giá dầu WTI lên mức cao nhất kể từ năm 2014. Đơn vị: USD/thùng. Nguồn: Refinitiv và FT.

Helima Croft, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, cho biết: “Với quyết định này, OPEC+ bằng lòng với việc giá dầu tăng cao hơn bất chấp lo ngại về cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc ở châu Âu và châu Á”.

“Câu hỏi đặt ra cho chính quyền Biden bây giờ là liệu họ có muốn kêu gọi Ả Rập Xê Út làm nhiều hơn nữa để giúp giảm giá xuống hay không”, bà nói thêm.

Croft cho biết tình hình của Nhà Trắng rất phức tạp do chính họ thúc đẩy giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trước các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc tại Glasgow vào tháng tới.

OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng kỷ lục vào năm ngoái khi nhu cầu dầu suy giảm ở đỉnh điểm của đợt phong tỏa trên khắp phương Tây. Tuy nhiên, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs tuần trước cảnh báo rằng kho dự trữ dầu thô toàn cầu hiện đang thu hẹp với tốc độ kỷ lục và cho biết giá có thể tăng lên 90 USD/thùng vào cuối năm nay.

Ả Rập Xê Út, nhà lãnh đạo trên thực tế của OPEC và là một trong những đồng minh chính của Mỹ ở Vùng Vịnh, đã không họp báo tháng thứ 2 liên tiếp sau cuộc họp trực tuyến của các bộ trưởng năng lượng. Nước này từ chối giải thích chiến lược của mình và liệu họ có tin rằng thị trường đang thiếu nguồn cung hay không.

Nhưng những người quen thuộc với cuộc thảo luận cho biết Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, bộ trưởng năng lượng của đất nước, không tin rằng giá dầu đã tăng đủ trong những tháng gần đây để thay đổi lộ trình, mặc dù các mặt hàng năng lượng khác tăng mạnh. Nhu cầu dầu cũng có thể giảm một lần nữa vào mùa đông này nếu các nước tái phong tỏa.

Bassam Fattouh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho biết: “Với những tín hiệu không rõ ràng và sự không chắc chắn xung quanh thị trường, không có lý do gì để thay đổi lộ trình”.

Ngoài ra còn có một yếu tố gây thất vọng lớn hơn: Các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch đang bị gạt sang một bên trong cuộc đua cắt giảm lượng khí thải carbon của các nền kinh tế công nghiệp lớn, mặc dù vẫn chiếm phần lớn nguồn cung năng lượng của họ.

Giá cao hơn được OPEC cho là cần thiết để thúc đẩy đầu tư trong tương lai vào sản xuất dầu khí trong khi nhu cầu vẫn đang tăng lên. Đồng thời, họ muốn nhắc nhở các nước phát triển về tầm quan trọng của mặt hàng này đối với sức khỏe của toàn nền kinh tế.

Christyan Malek của JPMorgan cho biết OPEC muốn tỏ ra ổn định trong quá trình ra quyết định của mình, và giá dầu cao hơn cũng đang giúp thúc đẩy nền kinh tế của các nước sản xuất. “Giá dầu không tăng cùng tốc độ với khí đốt tự nhiên hoặc than, vì vậy ít có áp lực phải hành động hơn”, Malek nói.

“Cũng có niềm tin rằng việc đầu tư quá ít vào lĩnh vực dầu mỏ có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng thậm chí còn lớn hơn cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang thấy hiện nay đối với khí đốt tự nhiên và OPEC muốn các nhà hoạch định chính sách xem xét một cách nghiêm túc về khả năng có siêu chu kỳ dầu, ngay cả khi họ đang cố gắng chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch”.

Giá khí đốt tự nhiên kỷ lục cũng đang thúc đẩy nhu cầu đối với dầu thô. Amin Nasser, người đứng đầu công ty dầu khí nhà nước Saudi Aramco của Ả Rập Xê Út, nói trong một hội nghị hôm thứ Hai rằng theo ông, việc chuyển đổi từ khí sang dầu đã thúc đẩy nhu cầu tăng lên tới 500.000 thùng/ngày, cao hơn mức tăng sản lượng dự kiến của OPEC+ vào tháng tới.

Cuối phiên giao dịch tại New York ngày thứ Hai, WTI chốt ở mức 77,62 USD/thùng, tăng 2,3%, trong khi dầu Brent chốt ở mức 81,26 USD/thùng, tăng 2,5%.